Pháp thoại “Thiền Ba La Mật”
Lúc 14h30, chiều ngày mồng 1 tháng 8 năm Đinh Dậu (20/09/2017), Hòa Thượng Trụ trì. Thích Viên Giác đã …
Lúc 14h30, chiều ngày mồng 1 tháng 8 năm Đinh Dậu (20/09/2017), Hòa Thượng Trụ trì. Thích Viên Giác đã giảng tiếp kinh Ưu Bà Tắc Giới, phẩm thứ 27 “Thiền Ba La Mật” trong thời pháp thoại buổi chiều tại khóa tu Bát Quan Trai được tổ chức mỗi tháng hai kỳ tại chùa Từ Tân. Xin được chia sẻ bài giảng của Thầy trong khóa tu kỳ này.
Thiền không phải là kinh nghiệm và trải nghiệm thường tình mà là một loại siêu nghiệm vượt thoát ra ngoài những kinh nghiệm thông thường. Khi tâm có sự vững chãi, ổn định, tĩnh lặng, sự sáng trong thì xuất sinh những soi chiếu và có những tác dụng mà khi bình thường không có được. Đức Phật đã từng dạy rằng “Nếu không có thiền định thì ngay cả việc thế gian cũng không thành tựu được huống hồ gì việc xuất thế”. Thật vậy, nếu không có thiền thì con người sẽ không ổn định, rối ren và những điều đen tối sẽ kéo đến.
Thiền định là gì? Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới thì Thiền được định nghĩa bởi 4 yếu tố.
Một là giới hạnh: Khi con người giữ giới thì tâm được bảo hộ bởi năng lực của giới, nhờ đó mà không bị kéo ra theo phiền não hay ma chướng và được bão hộ bởi thần thánh và chư thiên, vì vậy mà tâm được ổn định.
Hai là tâm từ bi hỷ xả(Tâm vô lượng): Tâm rộng ra, không bị những khung nhỏ bé nhốt tâm lại, không bị loay hoay trong những chuyện nhỏ bé của cuộc đời mà thoát ra ngoài vươn lên và ra xa những điều nhỏ nhặt của cuộc sống.
Ba là xa lìa kết phượt: Kiết phượt hay còn gọi là nội kết là sự trói buộc bởi phiền não, là những hiềm hận và ấm ức lâu ngày dẫn đến tình trạng không tu tập được. Xa lìa kiết phượt là làm rã sự bám víu vào phiền não và chấp thủ. Phương pháp thiền trong đó có yếu tố quán và xả các trói buộc của phiền não. Nếu tu tập tốt dựa trên quán thì chúng ta sẽ xả được phiền não như quán Vô Thường, Biến Hoại, Đoạn Diệt và Buông Xả qua bốn loại hơi thở. 1.Hít vào: Vô, Thở ra: Thường. 2.Hít vào: Biến, Thở ra: Hoại. 3.Hít vào: Đoạn, Thở ra: Diệt. 4.Hít vào: Buông, Thở ra: Xả. Ngoài ra còn có phương pháp dùng tuệ quan minh sát để quán chiếu để buông xả phiền não chứ không chỉ là ngồi thiền.
Bốn là Tu tập các pháp lành: Thực hành các điều thiện, không làm và dừng các điều ác như những hành vi tổn hại, nói lời không đúng, nói những điều không cần nói, gây ra những hiềm hận, có những suy nghĩ sai lầm về người khác. Khi dừng các điều ác thì tâm sẽ được yên, khi làm các điều lành thì độ ổn định của tâm sẽ tăng lên. Vì vậy pháp lành là tiền đề và nền tảng của định. Thiền định mà không dựa trên pháp lành gọi là tà định là loại định có uy lực nhưng luôn phải đối mặt với nhiều uy lực khác (ví dụ như các uy lực của quỹ thần) thường hay dẫn đến nguy cơ bị phá hoại và suy sụp.
Làm thế nào để thành tựu được thiền định ?
Một là gần gũi với chân thiện tri thức: Sống gần với thầy tốt, bạn tốt và người tốt để có cơ hội thăng tiến về mặt tâm linh.
Hai là luôn thực hành những công hạnh của thiền: Luôn thực hiện sự định tâm(chánh niệm tĩnh giác), huấn luyện tâm luôn rộng mỡ, an định và chân thành để dẫn đến những phẩm chất ổn định và siêu việt của tâm.
Ba là luôn thực hành lối sống chuẩn: Những nghề tổn hại đến tha nhân, có lối sống không chuẩn là lối sống bất thiện, bất an, bất ổn, có nhiều áp lực và tranh chấp và phải làm những việc không có đạo đức. Phải tránh làm những nghề và lối sống này mới có tâm ổn định để đạt được thiền định được.
Bốn là tuân lời của bậc Đạo Sư: Bậc Thầy là người biết rất rõ về con đường tu tập, nghe lời Thầy hướng dẫn là việc để đạt đến thành tựu và tránh những sai lầm đổ vỡ đáng tiếc.
Kết luận.
Thiền là nền tảng cho tất cả các điều lành và điều tốt trên cuộc đời này. Thiền định là tấm gương để soi chiếu những điều thiện ác trong đời, giúp con người thấy được đúng sai tốt xấu, điều nên làm và không nên làm, thấy được lối đi đúng đắn và thành tựu được mục đích cao cả của mình.