Ý nghĩa của Sám Hối | Thuyết giảng: HT. Thích Viên Giác
Tại sao cần phải cầu Sám Hối, nó có ý nghĩa gì không với cuộc sống của mình? Câu nói “tôi có tội gì đâu mà phải đi Sám Hối” thật sự có đúng?
Trong pháp hội Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền Bồ tát sau khi khen ngợi công đức thù thắng của Phật đã nói với đại chúng rằng – Muốn trọn nên công đức như Phật thì phải tu mười điều rộng lớn như sau: “Nhất giả lễ kính chư Phật. Nhị giả xưng tán Như Lai. Tam giả quảng tu cúng dường. Tứ giả sám hối nghiệp chướng…”
Sám hối là một công hạnh của người Phật tử. Sám hối là sám hối những tội dễ nhận biết và sám hối cả những tội khó nhận biết. Những tội dễ nhận biết là vi phạm các luân lý đạo đức xã hội, những quy ước xã hội đề ra. Những tội khó nhận biết là nằm trong quy luật cạnh tranh sinh tồn, chúng sinh luôn tương tác tranh giành lẫn nhau để sống, hay thậm chí trong tập thể, gia đình, bạn bè, ta cũng có nhiều lần vô tình làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người khác, làm cho người khác đau khổ.
Cho nên có thể nói, tội của con người luôn liên tục sinh khởi và tăng trưởng. Và những tội lỗi, những nghiệp xấu đó không những gây khổ cho thân, gây khổ cho tâm của ta mà còn làm cản trở con đường tâm linh, cản trở bước tiến của sự giác ngộ. Cho nên lúc nào cũng cần phải có sự sám hối Khi mình nhận ra hành động của mình là tội ác, mình chí thành sám hối thì ta bắt đầu đi vào quy trình của sự sám hối.
Nhưng sám hối bằng cách nào? Sám hối với ai? Trong đạo Phật không chủ trương có một đấng toàn năng nào đó có khả năng thưởng thiện phạt ác. Sự thú tội phải là sự thú tội với một người mà mình cảm phục. Cho nên khi tới chùa ta sám hối với Phật, nhưng Phật không phải đấng xá tội cho mình mà Phật chỉ là đấng xác nhận cái tâm của mình. Và trong luật bậc Thánh thì làm như vậy tội lỗi sẽ được giảm nhẹ và ngăn chặn được quả báo xấu trong tương lai. Cho nên hãy sám hối một cách thành kính và có Đức Phật ngồi phía trước.
Khi ta sám hối nghĩa là đang xây dựng lại tâm ta, không cho sinh khởi những tội ác. Vậy để dứt được tội ta cần phải sám hối, sám hối chính là phương thức chuyển nghiệp. Và phương thức để nghiệp mau tiêu là tu tập phát triển thiền định, phát triển trí tuệ. Vì chỉ có định tuệ sắc bén thì mới đoạn trừ được cái gốc của tham, sân, si. Nhưng quá trình tu tập thiền định ta lại bị những nghiệp quá khứ chắn lại, nên phải sám hối thường xuyên hơn. Càng tu thiền thì càng phải sám hối thường xuyên để ngăn chặn cái nghiệp quá khứ. Sám hối sẽ làm điều ác không tăng mà tiêu dần nhờ phát triển những điều thiện, tu tập thiền định,…