Đạo Phật và vấn đề hôn nhân gia đình

Khi có một cặp vợ chồng làm lễ cưới ta thường chúc họ được “ Trăm năm hạnh phúc”, như …

Khi có một cặp vợ chồng làm lễ cưới ta thường chúc họ được “ Trăm năm hạnh phúc”, như vậy hạnh phúc chính là mục đích của hôn nhân. Mặt khác, biểu tượng của hôn nhân là chữ Song hỷ, nghĩa là niềm vui nhân đôi. Cho nên, vấn đề hạnh phúc hôn nhân là nhu cầu gần như tất yếu của đời người (cũng có ngoại trừ… đi tu chẳng hạn). Ai cũng biết gia đình là nền tảng của xã hội và đời sống vợ chồng là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Vì vậy, cách sống như thế nào để cả hai người giữ được hạnh phúc lâu dài, đó là mối quan tâm của mọi người và của các tôn giáo.

108_550_412_90

Theo thông kế của những nhà xã hội học thì: “ Chưa bao giờ tình trạng ly dị tại châu Á lại phổ biến như hiện nay. Trong 20 năm qua, tỷ lệ ly dị tăng gấp đôi ở Trung Hoa và gấp ba ở Đài Loan. Tại Singapore, tỷ lệ ly dị tăng 1/3 so với năm 1990, tại Thái Lan tăng gần gấp đôi. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ ly dị vượt cả một số nước châu Âu như Anh, Đan Mạch, Hungary… Thậm chí tại Ấn Độ, một đất nước còn nặng truyền thống “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, tỷ lệ này cũng ngày một tăng…” (Báo Thanh niên).

Ở Việt Nam chúng ta tỷ lệ ly dị cũng rất cao xấp xỉ 30%. Nguy cơ đổ vỡ hôn nhân càng cao thì sự bất an xã hội càng tăng, để lại những dấu ấn nặng nề cho xã hội, trong đó những đứa con mất thăng bằng về nhân cách là một ví dụ.

Sự khủng hoảng về sống chung giữa người đàn ông và người đàn bà là vấn đề muôn thuở vì bản chất khác biệt và là vấn đề của toàn thế giới, không riêng gì Việt Nam, chỉ có điều xã hội càng văn minh và tiến bộ thì sự khủng hoảng càng tăng, đến nỗi triệt tiêu những giá trị của những thành quả văn minh vật chất. Nghĩa là, dù người ta giàu có hơn nhưng không hạnh phúc hơn người xưa. Do đó, thiết lập được những nguyên tắc sống hạnh phúc cho đời sống hôn nhân gia đình là một sự đóng góp rất lớn cho xã hội hiện đại.

Đức Phật rất quan tâm đến đời sống hạnh phúc của người cư sĩ, những nguyên tắc sống của người cư sĩ tại gia như năm giới, mười giới… chính là những nguyên tắc chuẩn cho đạo đức và hạnh phúc. Vì vậy, một người Phật tử thọ trì những nguyên tắc đạo đức căn bản của một người Phật tử thì đã ổn định cho đời sống hôn nhân của mình.

109_550_412_90

Xây dựng một mô hình chuẩn cho đời sống hôn nhân ổn định và hạnh phúc, đức Phật đã dạy một cách thiết thực qua ba khía cạnh:

1. Xây dựng đời sống lứa đôi trên phẩm chất tâm lý tương đồng:

Đời sống hôn nhân sẽ rất phức tạp nếu không có những điểm chung, nhất là những điểm không chung ấy thuộc về phẩm chất tâm lý thì nguy cơ đổ vỡ rất cao. Trong K. Tăng Chi, Đức Phật dạy: “Này các gia chủ, có bốn hạng người sống chung:

  • Một là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ thấp hèn.
  • Hai là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ cao thượng.
  • Ba là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ thấp hèn.
  • Bốn là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ cao thượng”. (K.Tăng Chi, chương 4 pháp).

Sau đó Đức Phật giảng rộng sự khác biệt về sự thấp hèn và sự cao thượng, rằng đó chính là sự khác biệt về hành vi và tâm lý đạo đức. Đức Phật kết luận, hạng người sống chung thứ tư, tương đồng phẩm chất tâm lý cao thượng là: “Đời sống nhiều hạnh phúc, chờ đợi hai người ấy”.(sđd)

Tương đồng phẩm chất của tâm chính là đồng một hướng nhìn (lý tưởng hay niềm tin tôn giáo) và đồng một quan điểm sống hiền thiện (lối sống đạo đức). Sự đồng tâm sẽ đưa đến hiệp lực, nhờ vậy cả hai có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc đời, chúng ta cần thấy rằng đây là nguyên tắc nền tảng cho sự sống chung. Tờ báo Tuổi trẻ (09-07-2010), mục ký sự pháp đình có một trường hợp như sau: Một người đàn ông phạm tội giết người cướp của, trước đó vốn là một người hiền lành. Nguyên nhân là, hạnh phúc gia đình luôn bị áp lực của bà mẹ chồng, vốn không thích người con dâu là người khác đạo, nhất là người con trai của bà theo đạo của con dâu, bà mẹ người chồng thường phản ứng… dần dần đưa đến bế tắc và khủng hoảng tâm lý, hạnh phúc gia đình cạn kiệt dần, người đàn ông đã một lần tự tử không thành nhờ vợ cứu, cuối cùng đưa đến phạm tội… Bài báo kết luận với một băn khoăn: “Một người đàn ông yêu vợ và thương mẹ, một người mẹ rất thương con trai, một người vợ rất yêu chồng. Cuộc sống gia đình như vậy lẽ ra rất hòa thuận êm ấm sao lại tan vỡ?!”. Yếu tố tan vỡ ở đâu? Có nhiều yếu tố bất đồng trong hôn nhân nẩy sinh mà mở đầu là yếu tố bất đồng về tín ngưỡng tôn giáo. Trong cuộc sống hằng ngày xung quanh ta đã diễn ra bao cảnh tương tự vì lý do khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc… có lẽ đó là điều không ai muốn, nhưng đó chính là quy luật sống chung: Sự đồng tâm trong hôn nhân đã bị đổ vỡ.

110_550_412_90

2. Xây dựng tinh thần trách nhiệm:

Đời sống vợ chồng nếu không đặt mình vào những bổn phận và trách nhiệm rõ ràng sẽ rất khó giữ gìn được tình yêu lâu bền. Sống với nhau là để lo cho nhau và cùng xây đắp đời sống gia đình và xã hội chứ không phải chỉ để hưởng thụ dục lạc ích kỷ.

Trong Kinh Sigalovada-Sutta (K. Giáo thọ Ca thi la việt), Đức Phật dạy về những trách nhiệm phải làm và những điều nên tránh để bảo đảm hài hòa các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội; trong đó mối quan hệ vợ chồng được Ngài dạy như sau:

Người chồng đối với vợ có bổn phận:

  • Luôn đối xử nhã nhặn và thanh cao. (không bạo hành: hành vi, ngôn ngữ)
  • Luôn tôn trọng vợ. (tương kính như tân, người vợ tự tin, phát huy sáng tạo)
  • Luôn trung thành với vợ.
  • Giao quyền hành cho vợ. (tin tưởng)
  • Mua sắm trang sức cho vợ. (quan tâm nhu cầu nữ tính)

Người vợ đối với chồng có bổn phận:

  • Luôn làm tròn phận sự trong nhà. (làm vợ, nội tướng)
  • Vui vẻ, tử tế với quyến thuộc, bạn bè của chồng. (sang nhờ vợ)
  • Luôn trung thành với chồng.
  • Giữ gìn tiền bạc và của cải trong nhà. (vai trò quản lý, giữ gìn)
  • Luôn siêng năng và tháo vát trong công việc. (vai trò điều phối, người chồng yên tâm)

Những bổn phận đối với nhau như trên, chúng ta có thể nhận thấy yếu tố chung thủy được coi là xương sống của cuộc sống hôn nhân, có thể nói đây là kỷ luật của hôn nhân mà các hệ thống luật pháp đều coi trọng, vì chúng là quy luật của hạnh phúc lứa đôi. Có một lời nói mà tôi rất tâm đắc: “ Phía sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của một người đàn bà. Phía sau những bi kịch của một người đàn ông có bóng dáng của nhiều người đàn bà” (Báo tuổi trẻ đd). Đời sống hiện đại, sự quan hệ luyến ái tự do đã là nguyên nhân của sự đổ vỡ các cuộc hôn nhân. Đạo vợ chồng, như lời Phật dạy là sáng tỏ và vẫn thực tiễn cho đến ngày nay.

112_550_412_90

3. Xây dựng nghệ thuật yêu thương:

Xây dựng cuộc sống hạnh phúc bằng những nguyên tắc luân lý, bằng những bổn phận và trách nhiệm thì khó mà có được đời sống hạnh phúc thật sự. Có những cặp vợ chồng bề ngoài rất vui vẻ hạnh phúc nhưng bên trong họ đang chịu đựng lẫn nhau một cách khốn đốn, họ chỉ sống giả tạo với nhau để che mắt dư luận. Triết lý sống của các tôn giáo nói chung đều xây dựng những chuẩn mực luân lý cho đời sống vợ chồng, đem lại sự ổn định cho gia đình và xã hội, nhưng về mặt hạnh phúc thì hiệu quả cũng giới hạn. Bởi lẽ, hạnh phúc không thể phát sinh khi đời sống bị gò ép vào những công thức luân lý. Hạnh phúc thật sự chỉ có mặt khi nó đến từ cảm xúc của con tim, từ sự cảm thông sâu sắc giữa hai người. Tình yêu thương phải lớn hơn mọi thứ, thì mới làm cho con người hạnh phúc và phải có nghệ thuật sống cao thì tình yêu mới bền vững.

113_550_412_90

Đức Phật dạy, một người vợ lý tưởng (hay người chồng lý tưởng) là người vợ thể hiện tình yêu thương của mình trong bốn vai trò đối với người chồng:

  • Một là, vợ như là người mẹ, người mẹ thương yêu con cái không giới hạn, trải lòng bao dung, hy sinh tất cả cho con. Người chồng không phải khi nào cũng mạnh mẽ, có lúc có quá nhiều những khó khăn trắc trở người đàn ông cũng suy sụp tinh thần lẫn thể xác. Lúc ấy, vai trò người vợ phải thay đổi qua vai trò người mẹ, hy sinh quên mình, lo lắng an ủi chồng; nếu lúc ấy mà đòi hỏi nầy nọ thì thật là dại dột.
  • Hai là, vợ như là người em gái, người em gái luôn kính trọng anh, lắng nghe và phục vụ với thái độ ôn hòa, coi trong những ý muốn của anh. Người vợ lúc nầy đóng vai một người cộng sự biết chia sẻ và hợp tác, làm cho người chồng cảm thấy an tâm và tin tưởng.
  • Ba là, vợ như là một bạn tình, nghĩa là vui vẻ hân hoan đối với chồng, thể hiện sự duyên dáng dịu hiền và một chút tình tứ làm cho người chồng cảm thấy cảm hứng và yêu đời.
  • Bốn là, vợ như là người đầy tớ, người vợ gặp lúc người chồng mất bình tỉnh có thể la mắng nặng lời, có thể vũ phu, người vợ vẫn không xúc động, không phản ứng cũng không sợ hãi, chịu đựng tất cả, giữ lòng thanh khiết, chờ cơn giận hoặc trường hợp bất ổn của chồng qua đi. Người chồng nào cũng có lúc rơi vào tình huống tệ hại, nếu có người vợ đủ kham nhẫn gánh cái gánh nặng nhất thời này thì người chồng ấy có phúc lớn.

Một người vợ biết tùy thuận và đáp ứng mọi tình huống như vậy gọi là người vợ lý tưởng. Có thể nói ngược lại, một người chồng tốt cũng có thể đóng các vai trò khác nhau như: Chồng như cha, chồng như anh trai, chồng như người bạn tình, chồng như người đầy tớ. Nếu được như vậy sẽ giúp cho người vợ vượt qua những khó khăn và sẽ có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc thật sự. (Xem 7 hạng vợ trong K. Tăng Chi, chương 7 pháp).

Để đạt được những tiêu chí hạnh phúc gia đình cho Phật tử tại gia, chúng ta cần xây dựng một chương trình giáo dục hôn nhân gia đình trên cơ sở những đạo lý mà đức Phật đã dạy. Tuổi trẻ thời đại đang đối mặt với sự khủng hoảng về đời sống hôn nhân, họ chưa đủ kinh nghiệm để bước vào đời sống vợ chồng, những gì được trao truyền từ bậc cha mẹ và từ văn hóa truyền thống đang phai nhạt trong lòng của họ, một phần vì không phù hợp với lối sống mới, một phần thì bị lối sống văn hóa mới cuốn hút. Trước những tấm gương đổ vỡ hôn nhân làm cho giới trẻ thiết tha tìm lối thoát; ngày càng nhiều thanh niên quan tâm học hỏi về nghệ thuật sống, về kỷ năng giữ gìn hạnh phúc lứa đôi cũng như xin được làm lễ thành hôn trong chùa là những minh chứng. Những đạo lý Phật dạy, tôi cho rằng, là lối thoát đẹp và an toàn nhất cho giới trẻ hiện nay trước ngưỡng cửa hôn nhân, ngay cả những người đã sống đời sống vợ chồng cũng cần trang bị đạo lý để giữ hạnh phúc gia đình.

Đạo Phật vốn là đạo giải thoát, sự đoạn trừ tâm luyến ái và lòng ham muốn hưởng thụ vật chất cũng như dục tình là mục đích của sự tu tập; do đó, từ xưa Đạo Phật không thiết lập chương trình lễ thành hôn cho nam nữ Phật tử. Ngày nay, những lễ cưới (gọi là lễ hằng thuận), tổ chức trong chùa được coi là mới mẽ và cũng có nhiều người không hài lòng. Tôi cho rằng, dưới góc nhìn xây dựng kỷ năng sống hạnh phúc, chúng ta cần nêu cao giá trị đạo lý về khía cạnh xây dựng hạnh phúc gia đình mà đức Phật đã dạy để đáp ứng nhu cầu của con người thời đại, nhất là cần xây dựng hoàn chỉnh nghi thức thành hôn, cụ thể hóa nội dung giảng dạy và khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con em của mình vào chùa làm lễ cưới. Tôi tin rằng, những cặp vợ chồng được làm lễ thành hôn trước sự chứng minh của Tam bảo với những lời kinh cầu nguyện, những lời đạo từ ấm áp của chư Tăng, sẽ là nguồn năng lượng văn hóa tinh thần sâu sắc, sẽ làm cho tâm hồn của những cặp yêu nhau thêm đẹp đẽ và vững bền.

(Theo Tuần Báo Giác Ngộ, số ĐB Vu Lan, PL 2254)