Nương tựa vào Pháp
Từ khi có Phật thì mới có con đường. Đó là điều đặc biệt mà Ngài A-nan đã nói “Đức Phật là bậc đã khởi lên con đường, đã tạo nên con đường, đã đạt được con đường”.
PHÁP THOẠI: NƯƠNG TỰA VÀO PHÁP được Hòa Thượng thượng Viên hạ Giác giảng vào ngày 12/05/2019 tại Thiền Thất Hương Vân.
Lễ Tắm Phật là để thể hiện tấm lòng tôn kính vô biên đối với Đức Thế Tôn. Thầy rất là vui mừng trong cuộc lễ này được các Phật tử đã quang lâm tham dự một cách hoan hỉ đầy đủ và điều đó chứng tỏ quý Phật tử cũng cố gắng để nuôi dưỡng Phật tâm của mình. Những gì đã liên quan tới Phật thì quý Phật tử đều có cảm xúc, có tấm lòng, có hướng về. Đó là cái thành tâm của mình, còn gọi là nuôi dưỡng Phật tâm của mình.
Đức Phật có mặt trên cuộc đời này là một sự kiện rất là lớn, rất đặc biệt. Bởi vì trước khi Đức Phật có mặt, chưa sinh ra, con đường của Phật chưa được truyền bá; thì con người thời bấy giờ chưa có con đường giải thoát, giác ngộ. Họ chỉ sống theo đời thường, theo cách thức tôn giáo tín ngưỡng thời xưa truyền dạy mà không đạt được đích điểm là giải quyết phần gốc rễ của kiếp người. Từ khi có Phật thì mới có con đường. Đó là điều đặc biệt mà Ngài A-nan đã nói “Đức Phật là bậc đã khởi lên con đường, đã tạo nên con đường, đã đạt được con đường”.
Tất cả chúng ta đều có học Phật, có tu tập, có hiểu nhưng mà chúng ta không cảm nhận được cái hiểu sâu sắc của Phật pháp. Có người thì có khả năng cảm nhận sâu sắc khi mà tu tập một cách sâu, có tinh tấn thì cảm nhận được. Còn người chưa có đạt được khả năng tinh tấn cao thì chưa đạt được sự cảm nhận sâu sắc về giá trị con đường của mình, sự tu tập của mình, sự theo Phật của mình quan trọng đến mức độ nào.
Chúng ta thường nói đến tri ân Phật. Cũng giống như “tri ân cha mẹ”, tri ân là biết ơn. Có biết ơn thì mình mới báo ơn. Biết ơn Phật vừa là cảm xúc, vừa là một loại nhận thức, một đức hạnh để cho mình tăng trưởng được những phẩm chất cao quý ngay trong bản thân của mình. Đức Phật dạy, mỗi người đều có Phật tính. Có nghĩa là phẩm chất cao quý đó mỗi người đều có; mà trước Phật, không ai nói như vậy. Không ai cho mình biết điều đó và toàn thể dân Ấn Độ thời bấy giờ chỉ biết mình là tôi tớ của thượng đế, tôi tớ của thần linh và là công cụ của những thân linh hoặc những người mang danh nghĩa của thần linh điều khiển mà thôi. Cho nên không có con đường nào, họ chỉ nhắm mắt đi theo, họ không biết mình có Phật tính. Đây là điểm đặc biệt. Quý vị Phật tử biết rằng mình có Phật tính không? Mình có Phật tính tức là mình có phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn ở bên trong tâm thức của mình và nguồn lực Phật tính đó là năng lượng siêu việt tốt đẹp. Đó là chỗ vượt thoát ra khỏi sự khổ đau, sanh tử của cuộc đời. Vậy thì người Phật tử tu tập để làm gì? Để mà hướng đến, khai mở Phật tính của chính mình. Làm thế nào để bản chất của mình càng ngày càng tốt hơn, thánh thiện và hoàn hảo hơn.
Thường thì mọi người đều chìm đắm trong mê mờ, trong bản năng thú tính, trong tham lam, sân hận và si mê. Cho nên mình loay hoay luẫn quẫn trong sự phàm tục, trong sự đau khổ của cuộc sống bình thường, không thể vượt ra được. Đời này như vậy, đời sau như vậy, không có lối nào thoát ra được. Nhờ mình hiểu được điều mình có Phật tính nên mình có mục đích để tu. Mục đích để hành động của chúng ta hằng ngày là nhắm đến việc làm thế nào cho Phật tính nảy nở, lớn mạnh; làm cho bản chất, nội tâm, phẩm chất của mình càng ngày càng trong sáng, càng thanh tịnh, càng thánh thiện, càng đẹp đẽ lên. Thì đó là những mục đích hành động của chúng ta trong đời sống. Mục đích của chúng ta không phải chỉ để đủ ăn và ngủ được là hết chuyện vì như vậy thì nó cũng bình thường như mọi loài. Chim chóc và các loài sinh vật đều chỉ có những mục đích đơn giản như vậy thôi. Chúng ta có được mục đích khác đó là tự thánh hóa, tự hoàn thiện bản thân. Dựa vào lời Phật dạy, dựa vào Pháp của Phật thì chúng ta tu, chúng ta tập, chúng ta vượt thoát được những phàm tình. Chúng ta giải quyết được những bế tắc, đau đớn, khổ sở của đời sống đem lại.
Trong tất cả chúng ta, có rất nhiều người vướng mắc vào những nghiệp chướng nặng nề, rồi có những cuộc sống khốn khổ, có những niềm đau rất to lớn. Mà nếu như không có Phật pháp, không có con đường, không có Đức Phật, những lời Phật dạy, phương pháp hành trì thì chúng ta sẽ không biết giải quyết vấn đề như thế nào và bế tắc tuyệt vọng. Cho nên nhờ có Phật như vậy thì mình mới có được con đường để đi, có được cách thức để mà giải quyết những vấn đề khó khăn đau khổ tầm thường, bình thường của cuộc đời, cho đến những khó khăn đau khổ căn bản của cuộc sống và cả của đời này, đời sau. Cho nên mình cảm nhận rõ điều đó thì mình mới cảm nhận được ân đức của Phật lớn, nếu không có Phật thì tối tăm, không có con đường nào. Bởi có Phật, chúng ta có con đường sáng để đi thì như vậy thì mình phải cảm ơn Phật, mỗi lần tổ chức Lễ Phật Đản là nhằm để tôn vinh giá trị chứng ngộ, khai sáng của Phật, những tác dụng tốt đẹp, lợi ích cho đời. Bản thân chúng ta, người trực tiếp đi theo con đường của Phật phải tôn vinh như vậy. Đó là “Tri Ân Phật”. Đó là điều mà Thầy nói đến thứ nhất. Đó là biết tri ân Phật, biết được cái giá trị Phật cho mình cái gì, mở mắt cho mình để thấu rõ được mình có Phật tính, mình có phẩm chất cao đẹp bên trong, mình không phải là nô lệ của ai, mình là con người có khả năng hướng thượng và có khả năng mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình.
Cái thứ hai là Pháp của Phật. Bởi vì Phật là người giác ngộ cho nên phương thức giác ngộ của Ngài đã trải nghiệm, đã qua rồi nên Ngài biết rất rõ những ngõ ngách, gốc rễ của đời sống và những nguyên nhân của đau khổ. Ngài chỉ cho mình cái khổ đó, nguyên nhân của nó là gì và Ngài chỉ cho mình phương thức để làm. Nên mình có tu, tức là làm theo những gì Phật dạy, để đạt được những phẩm chất như Phật, năng lực đặc biệt như Phật v.v. Như vậy gọi là mình quy y Pháp hay là “Nương tựa vào Pháp”. Nếu chúng ta sống mà không có pháp để nương tựa thì quý Phật tử sẽ làm cho cuộc sống của mình bị tối tăm. Có nghĩa là mình không có Pháp nào để hành trì thì tâm thức của mình sẽ mọc đầy rẫy tham – sân – si. Buồn phiền, tham lam, tức tối, si mê, chấp thủ, gây nhiều xung đột, rất nhiều sự khổ đau trong cuộc sống nếu chúng ta không có tu gì. Quý vị thấy có nhiều người rất giàu, có nhiều thành đạt mà vẫn vướng vào nhiều vấn đề khổ đau trong cuộc sống mà giải quyết không được; mà xét lại đều do thiếu tu hoặc là do tu sai nên không có kết quả. Cho nên nương tựa vào Pháp là đều người Phật tử nào cũng phát nguyện trong cuộc đời của mình. Qúy vị có Quy Y Tam Bảo thì có 3 chỗ để nương tựa, đó là Quy Y Phật, Quy Y Pháp và Quy Y Tăng.
Quy Y Phật là nương tựa, dựa vào Đức Phật. Quy Y Pháp tức là nương tựa vào những lời dạy của Phật; hành động của mình, đời sống của mình luôn luôn dựa vào Pháp của Phật để làm nguyên tắc hành trì, hành động của chúng ta. Chúng ta làm việc, chúng ta sinh hoạt đều có những nguyên tắc của Pháp; thì dựa vô Pháp của Phật để mình làm cho tâm của mình đứng vững trong đời sống hằng ngày. Ví dụ các Phật tử có đi chùa, có lạy Phật, có tụng kinh thì như vậy quý vị có dựa vô Pháp. Khi quý vị buồn, đau khổ thì quý vị tới chùa và tụng kinh thì đỡ khổ hơn. Nhờ có dựa vô Pháp thì mình vơi bớt những nỗi buồn, những niềm đau, những nỗi khổ của mình. Thì đó là một hình thức dựa vào Pháp hay nương tựa Pháp. Khi quý vị ở nhà mà thấy mình mệt mỏi, có những bất an thì mình thắp nhang, lạy Phật thì đó là dựa vô Pháp.
Cách thức Phật dạy là để ổn định nội tâm của mình, để nội tâm của mình đừng chìm vào trong những cảm xúc tiêu cực, chìm vào những tư duy nghĩ ngợi rối ren. Con người chúng ta nghĩ ngợi rối ren lắm. Mắt, tai, miệng, mũi, thân và ý của mình đều luôn luôn rối ren. Quý vị ngồi không yên đâu; mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, thân xúc chạm, ý vọng tưởng liên tục khởi. Cho nên tâm mình rối, gọi là “Tâm viên, ý mã”. Làm sao để đứng lại được? Cái rối đó mà gặp sự cố, gặp tai ương hoạn nạn thì từng khắc thành một núi khổ, núi rối loạn. Nỗi khổ con người bên trong rất lớn và gặm nhấm tâm hồn và thể chất của con người. Khi đó phải có cái gì để kiểm soát được, để cho cái tâm của mình không chạy theo vào cảm xúc đau khổ.
Quý vị thấy rằng tất cả cái sướng đều nằm ngay thân của mình, nhưng những nỗi khổ luôn luôn ở trong tâm. Nhìn quý vị bên ngoài bình thường như vậy không thấy khổ nhưng mà ở trong lòng có những cấp độ khổ, có những nỗi niềm khổ, những cái khổ khác nhau, thậm chí có những người đang ôm một đống khổ ở trong tâm. Cho nên cái khổ luôn ở trong tâm và ngự trị trong đó, rối ren trong đó, một mớ hỗn độn và căn bản của nó là những tâm tham – tâm sân – tâm si, tâm ô nhiễm của chúng ta.
Đối nghịch lại tâm ô nhiễm là tâm thanh tịnh của Phật tính, mà chúng ta phát triển ít quá nên không đủ lực để mà chi phối tâm ô nhiễm của chúng ta làm cho khởi động lên cả một thế giới ô nhiễm và rối ren. Như một núi rác, bốc mùi, lan tỏa làm cho mình đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc đời cho nên tâm của mình bị tổn thương rất lớn; công đức của mình rất khó để thành tựu khi mà tham – sân – si ô nhiễm của tâm lớn. Khi nương tựa vào Pháp thì trị được tham – sân – si. Ví dụ khi quý vị tụng kinh thì tham không có duyên để khởi, sân không có duyên để khởi, si không có duyên để khởi. Bởi vì mình đang hành Pháp.
Còn những người nào nương tựa vào Pháp bằng những phương thức mạnh hơn, tinh tấn hơn như những người tu theo Pháp môn Thiền hoặc Tịnh độ hoặc những pháp môn Mật Tông thì mạnh hơn vì nương tựa vô Pháp thường trực, tức là luôn luôn có pháp đó hiện hữu trong tâm. Cho nên tham không có chỗ để khởi, sân không có chỗ để khởi, si không có chỗ để khởi, sự ô nhiễm không có điều kiện để khởi lên.
Để nương tựa và Pháp cần phải tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, tức là những phương thức, rất nhiều phương thức Phật dạy dành cho căn cơ, trình độ khác nhau, điều kiện sống khác nhau. Có người thì chuyên tu thì họ luôn luôn nuôi dưỡng Pháp thường trực trong tâm thức của mình, không để cho ô nhiễm có cơ hội sinh khởi. Có những người không có phản ứng với hoàn cảnh thuận ý hay nghịch ý vì họ chú tâm, nương tựa vào Pháp. Nương tựa vào Pháp không chỉ là đến quy y rồi thôi, mà là luôn luôn gắn bó với môi trường đạo, gắn bó với những Phật sự, gắn bó với những câu kinh tiếng kệ, gắn bó với những chương trình tu tập, bản thân của mình để có được sự tỉnh táo, sự nuôi dưỡng bởi trí tuệ để mình hạn chế, bớt được điều kiện cho tham sân si khởi. Như vậy gọi là “Nương tựa Pháp”. Khi quý vị hiểu được Phật pháp, có được chút công phu, có được cơ hội để làm cho tâm quý vị được dịu đi ngọn lửa của cuộc đời.
Cuộc đời này, thế giới này, môi trường sống của chúng ta là một lò lửa. Đức Phật nói “Tam giới vô an, du như hỏa trạch”, tức là ba cõi không yên giống như ngôi nhà lửa. Cái nóng của cõi tâm con người, sự xáo trộn của môi trường sống, của quan hệ giữa mình và những người thân, những người xung quanh mình, hoàn cảnh sống bức bách làm cho chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khổ đau. Không có khi nào chúng ta được bình yên, không có khi nào chúng ta được an tâm, tỉnh táo, thảnh thơi một cách thực sự dù trong vài phút. Vì mỗi người đều mang nỗi niềm đắng cay trong cõi tâm của mình, trong đời sống của mình, mỗi người mỗi kiểu, không ai hiểu ai; cho nên nỗi khổ tràn ngập, không chừa một ai và nó gọi là tàn phá bất chấp ai.
Quý vị có khổ không? Ai nói không khổ thì người đó rất là hạnh phúc. Có hạnh phúc không? Không thấy! Con không khổ nhưng mà cũng không thấy sướng. Tức là mình chưa hiểu được chữ khổ mà Phật dạy. Mình hiểu nỗi khổ chỉ đơn giản chỉ là niềm đau ví dụ ai nhéo tôi, tôi đau thì tôi khổ; ai bớt phần cơm của tôi, tôi bị tổn thương thì tôi khổ. Chứ mình không thấu hiểu nỗi khổ của sự biến động vô thường của đời sống. Biến động vô thường, tàn hoại, hủy diệt là bản chất của đời sống. Và để sự biến động vô thường đưa đến hủy diệt đó, thì phải có xung đột, va chạm diễn ra trên thân xác của mình. Mình thường bị đay nghiến, bất ổn hằng ngày. Tại sao mình gây gổ nhau, tại sao vợ chồng lại trở nên hết thương nhau đều có vấn đề ở nơi cảm xúc đau khổ âm thầm bên trong làm cho sự thương đó không tồn tại.
Đức Phật dạy rằng “người cao cả là người diệt tận tham – sân – si. Mà người diệt tận tham – sân – si chỉ có Phật”. Diệt tận một cách tuyệt đối, đoạn trừ tất cả các lậu hoặc để thành tựu giác ngộ là Phật. Gọi là “Lậu Tận Minh”. Đức Phật có 3 Minh; Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh; tức là đoạn trừ tất cả các ô nhiễm, đạt được sự thanh tịnh của Phật tính của mình, mà các Phật tử đều có những khả năng đó cả. Mình đi từng bước, từng ngày, từng giờ và mình đi từ nhiều kiếp. Để kiếp sau tu hơn một chút thì kiếp này phải có phẩm chất, còn không sẽ bị đẩy xuống. Sự tu và sự học cũng giống nhau, tức “không tiến ắt sẽ lùi”; giống như thuyền chèo ngược nước, dừng chèo tức khắc bị đẩy lùi. Cho nên con đường tu phải đi từ kiếp này, đừng chờ đợi kiếp sau.