Lễ Dâng Hoa Cúng Phật Của CLB Thanh Niên Phật Tử Từ Tân
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,Như thông lệ hàng năm, vào tuần sinh hoạt đầu tiên của …
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Như thông lệ hàng năm, vào tuần sinh hoạt đầu tiên của năm mới thì CLB Thanh Niên Phật Tử Từ Tân lại tổ chức Lễ Dâng hoa cúng Phật để tỏ lòng tôn kính của mình đối với Tam Bảo. Có lẽ vì vậy mà các bạn thành viên CLB đã có mặt ở Chùa từ rất sớm chuẩn bị cho buổi lễ.
Buổi lễ được mở đầu bằng thời khóa Tụng kinh – Thiền hành dưới sự chủ lễ của chư Tăng bổn tự đã diễn ra rất trang nghiêm, thanh tịnh. Những bước chân thiền hành trong chánh niệm đưa các bạn thanh niên quay về những phút giây lắng động thân tâm, tất cả cùng hướng tâm mình dâng lên cúng dường Chư Phật để cầu mong những điều tốt lành nhất cho năm mới.
Trong giờ pháp thoại, Hòa thượng Thượng Viên Hạ Giác cũng chia sẻ:
“Sáng hôm nay Thầy rất phấn khởi khi thấy các bạn trẻ tương đối đầy đủ, như thế này thì rất là quý. Khi mà Thầy thấy các bạn đi thiền hành thì Thầy cũng có cảm xúc, bởi lẽ khi thực tập thiền hành có nghĩa là thực hiện từng bước chân đi chậm rãi, các bạn đang thực tập để có được sự trở về, sự ý thức về bước chân đi của mình.
Hàng ngày chúng ta đi, chúng ta không có ý thức về bước chân đi của mình. Chúng ta chỉ đi, thế thôi.
Khi mình ý thức bước chân đi của mình thì đó là một sự đặc biệt trong hành động của mình.
Ý thức về bước chân đi của mình không phải ai cũng có kỹ năng này mà phần lớn nhân loại bước đi theo quán tính. Sự khác biệt về người có ý thức về bước chân đi của mình và tổng thể các loài sinh vật trên thế giới, chỉ có con người. Chỉ có người biết tu tập, chỉ có người biết thắp sáng tỉnh giác mới có ý thức về những việc làm, những hành động của mình, trong đó có bước chân đi của mình.
Bước chân đi của mình được ý thức có nghĩa là mình đang thực tập, được trở về, làm sáng tỏ, làm soi sáng tâm của mình lên mọi hành động của mình trong cuộc sống. Đó là điều rất là cần thiết cho chúng ta.
Có ý thức về bước chân đi của mình nói lên tính tự chủ của mình trên hành động. Đây là điều mà Thầy mong ước qua năm mới, các con có thể làm chủ được những hành động của mình trong cuộc sống.
Những gì mà chúng ta đau khổ, phiền muộn, lầm lẫn thì điều do mình thiếu tính làm chủ trong hành động của mình. Phần lớn những lời nói, những hành động mình thường làm theo quán tính. Tức là làm theo thói quen, làm theo dẫn dắt, xô đẩy một cách âm thầm, một cách tự động trong cái nghiệp của mình. Chứ mình không tỉnh táo, không sáng suốt để nhận diện ra được cái đang diễn ra. Đây là một điều rất khó cho con người thời đại. Con người thời đại là con người có quá nhiều áp lực, có quá nhiều mục đích để mình phải nắm bắt, cho nên các con rối loạn và sự bất an đó thường xuyên – hàng ngày làm cho các con cảm thấy:
1. Mất niềm tin vào cuộc sống, không hướng đi.
2. Có nhiều suy nghĩ không tới, không chính chắn.
3. Có nhiều cái bị lôi cuốn vào những cái không được an toàn.
Bởi vì mình không đủ trí tuệ sáng suốt để nhận định, nhận diện ra hết mọi chuyện. Trong thế giới mới, các con phải tiếp nhận nhiều thông tin và đối tượng lựa chọn. Cho nên các con rất lúng túng trong việc chọn lựa. Làm thế nào để mình có thể đi đúng hướng khi mà chúng ta có nhiều mục tiêu để chọn? Thầy nghĩ như thế này:
* Thầy mong các con có được tình yêu thương
Điều đầu tiên Thầy mong các con có được tình yêu thương. Bởi vì tình thương đem đến cho ta điều kiện thuận lợi. Khi các con có tình thương, có sự cảm thông, có sự không hận thù. Có thương người thì môi trường sống của các con sẽ thuận lợi hơn, dễ có cơ hội để chọn lựa hơn. Nếu các con không có điều kiện sống tốt – thuận lợi thì các con đối phó quá nhiều thứ phức tạp, các con không đủ trí tuệ để chọn lựa cái nào là tốt, cái nào là đúng, phải phản ứng như thế nào; quá nhiều thứ như vậy. Nếu có được môi trường dễ chịu hơn, thuận lợi hơn thì chúng ta dễ lựa chọn hơn. Thì môi trường đó gọi là môi trường thuận lợi. Môi trường thuận lợi chỉ có mặt khi chúng ta có được tình thương đối với mọi người,
đối với thế giới xung quanh.
Mình gai góc quá, mình chua chát quá, mình nghiêm ngút quá. Những cái làm tâm mình bó lại như vậy sẽ tạo ra môi trường không thuận lợi. Tới bạn bè, bạn bè cũng trục trặc. Tới học đường, học đường cũng khó khăn. Tới cơ sở làm cũng có nhiều chuyện xung đột. Đi ra xã hội cũng gặp trục trặc. Tình cảm khi thương khi ghét. Như vậy, một loạt điều kiện bất ổn, bất an thì không ai có đủ khả năng để đối phó với bối cảnh phức tạp. Cho nên các con giữ lòng mình cho yên. Giữ tình yêu thương đối với mọi người. Bớt đi những khó chịu, bớt đi những chấp chặt, bớt đi những cái hận thù – ghét bỏ. Hãy nhìn cuộc đời bằng khía cạnh đạo lý hơn và thông cảm hơn bởi vì mình học Phật phải biết rằng ai cũng khổ, ai cũng có nỗi niềm, ai cũng muốn sướng chứ không ai muốn khổ cả. Thì mình chan hòa với nhau, bỏ qua những hận thù, bỏ qua những lỗi lầm. Các con có tình yêu thương nhẹ nhàng với nhau thì các con sẽ có bối cảnh, môi trường thuận lợi để sống.
* Mong các con có được sự sáng suốt
Mong cho các con có được sự sáng suốt – trí tuệ. Người không có trí tuệ gọi là người ngu. Mà người ngu, mình có cho họ tiền thì họ đem lại tai họa, cho họ tình thì họ đem đến rách nát, cho gì phản nấy. Người ngu là người không biết cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào thiện, cái nào ác, cái nào nên làm, cái nào không nên làm; làm theo cái mù mờ tối tăm. Cho nên mình là người học Phật phải có trí tuệ. Có trí tuệ là ngược lại, tức là mình biết cái nào nên làm, cái nào không nên làm. Con đường của Phật, những nguyên tắc Phật dạy, những đạo lý sống thì chúng ta sẽ thường xuyên trao đổi với nhau, thường xuyên được nghe, được thảo luận, được học tập thường xuyên ở trong môi trường Câu lạc bộ chúng ta.
Hãy cho ta tăng trưởng trí tuệ, bởi vì khi trí tuệ được tăng trưởng thì tất cả mọi thứ điều tăng trưởng, nếu trí tuệ không tăng trưởng thì mọi thứ điều dừng lại hết. Và khi mình có trí tuệ thì điều xấu sẽ biến thành điều tốt, điều tốt sẽ tốt hơn. Người có trí tuệ rất có ưu điểm. Cho nên ta phải tăng cường sinh hoạt đạo lý. Mình ứng xử có trí tuệ tức là có đạo lý. Ứng xử có đạo lý thì mình không còn đi về xu hướng làm ác.
Mình chọn lựa phương thức làm điều thiện. Giữa một tình huống, một sự bất mãn nào đó, mình phải có thái độ phản ứng, giả sử như là bạo lực thì xu hướng đó gọi là xu hướng thiếu trí tuệ. Người có trí tuệ tỉnh táo hơn. Tức là chọn lựa giải quyết bằng hòa giải. Thì như vậy gọi là chọn lựa đúng.
Được trang bị bằng đạo lý thì chúng ta sẽ ứng xử tốt trong công việc, ngay cả ở sở làm của mình, trong mối quan hệ của mình trong xã hội. Người Phật tử ứng xử không giống ai. Không ứng xử theo phản ứng mà ứng xử theo sự tỉnh táo. Ta gọi là người phản ứng có trí tuệ. Thông thường là phản ứng tự nhiên. Ví dụ: anh chửi tôi thì tôi chửi lại. Hay nói đúng hơn là tôi chưa chửi lại đâu. Tôi phải tìm câu nào chửi cho thấm. Tôi bình tĩnh hơn, tôi chọn lựa xem cách tôi ứng xử với anh như thế nào. Sau khi mình chọn lựa đúng đắn rồi thì tôi không chửi anh làm chi. Tôi tìm cách xem anh đang thiều gì đó, tìm nguyên nhân. Mình bình tĩnh để tìm cái thiếu.
Trang bị đạo lý là điều ta cần làm. Trí tuệ là một hành trình dài. Các con ngồi đây đều là người có trí tuệ nhưng làm đâu vẫn trật đó. Bởi vì biết là một chuyện, còn làm và ứng dụng là chuyện khác. Mình trang bị đạo lý hôm nay, ngày mai quên bởi vì có nhiều thứ ma đạo – ma lý đã nhập choáng chỗ rồi. Đạo lý đã đi ra rồi thì phải đưa lại. Cho nên phải đòi hỏi một hành trình dài và một sự hỗ trợ của tập thể, cộng đồng.
Hi vọng trong năm mới, ta có thể tăng cường thêm đạo lý. Có đạo lý sống thì như người xưa nói: “Tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc”. Không có đạo lý thì như: “Tuy xử thiên đường, diệc bất xứng ý”. Có nghĩa là người không có đạo lý thì cho dù nằm trên đất vẫn bất mãn, mà người có đạo lý cho dù nằm trên đất đều được an lạc. Cho nên vấn đề không phải là tôi nằm trên đất hay ở thiên đường, mà là tôi có đạo lý tri túc hay không. Sướng khổ do tâm mình đấy.
* Mong các con có được hướng đi tốt
Qua năm mới hi vọng các bạn trẻ có được hướng đi tốt. Bởi vì ai cũng cần có định hướng. Một định hướng tổng quát thì chúng ta có. Đó là sự giác ngộ. Chúng ta có lý tưởng giác ngộ phụng sự, giác ngộ giải thoát. Tức là hướng về chân lý tuyệt đối. Đó là mục tiêu xa. Nhưng mà cái định hướng gần trong đời sống của mình là các con đó được một định hướng để sống, định hướng về công ăn việc làm, định hướng về mục tiêu gần của mình để không bị xô đẩy, không bị dẫn dắt.
Các con sẽ có những thái độ chọn lựa như thế nào cho công việc của mình. Làm thế nào để các con có đủ sáng suốt để chọn lựa đúng thì Thầy mong các con có lòng từ bi, có tình yêu thương, có trí tuệ, có lòng tin vào Tam Bảo. Khi các con có lòng tin vào Tam Bảo, các con biết tôn kính Phật, các con tin tưởng một cách tuyệt đối nơi sự sáng của Phật thì các con sẽ có được sự dẫn dắt để đi đúng, lựa chọn đúng vào cái gọi là của mình, cái đưa đến cho mình sự an ổn.
Các con nhớ thiết lập giá trị nền một cách tốt đẹp thì Thầy tin rằng các con sẽ được Phật gia hộ. Trong sự hộ trì của Tam Bảo thì các con sẽ có sự đi đúng an toàn trong đời sống của mình. Thầy nghĩ rằng đây là sự cần thiết trong cuộc sống của các con trong năm nay. Chúng ta luôn dựa vào uy lực của Tam Bảo, dựa vào ánh sáng của Phật để có được sự sáng tỏ trên con đường của mình. Khi nào mình tối thì mình tức khắc cầu nguyện để các con sẽ có được sự soi sáng. Đây là kinh nghiệm bản thân của Thầy.
Khi nào mình cảm thấy bất lực thì mình hãy nương tựa vào uy lực của Tam Bảo.
Mong rằng trong năm mới các con sẽ có được nhiều công đức và tinh thần phụng sự, những giá trị mới, những sáng tạo mới trên con đường tu tập, cũng như sinh họat của chúng ta; sẽ tạo những cảm hứng cho các bạn trẻ nhiều hơn. Và hi vọng chúng ta sẽ nối kết với nhau nhiều hơn. Khai thác nhiều hơn những giá trị bản thân của từng người để phụng sự cho Tam Bảo, cho Phật Pháp, cho các bạn trẻ thanh niên của mình.
Năm nay cũng có khá nhiều sự kiện. Chúng ta cũng có rất nhiều chương trình, sắp tới chúng ta chuẩn bị Vesak 2019. Mong các con ai cũng khỏe. Đảm bảo rằng, có thể tiền thì người nhiều người ít, nhưng ai cũng phải tươi giúp Thầy. Tiền nhiều tiền ít, miễn tươi là được. Hãy mỉm cười.”