Chùa Từ Tân: Đạo tràng Bát Quan Trai sinh hoạt ngày rằm tháng 10 Âm Lịch
Chương trình buổi sáng: Sáng rằm tháng 10 Âm Lịch(02/12/2017), đạo tràng Bát Quan Trai chùa Từ Tân tổ chức …
Chương trình buổi sáng:
Sáng rằm tháng 10 Âm Lịch(02/12/2017), đạo tràng Bát Quan Trai chùa Từ Tân tổ chức sinh hoạt theo định kỳ 2 tháng 1 lần. Đến với khóa tu lần này, sau lễ thọ giới buổi sáng, là thời Pháp thoại ngắn của Hòa Thượng Trụ trì về vấn đề hành trì và tu tập Phật giáo của người Phật tử.
Mục tiêu đầu tiên của của việc tu tập là tu Thân, Theo Hòa Thượng thì người Phật tử nên hành trì và tập luyện thường xuyên để làm sao để có một sức khỏe tốt nơi thân thể. Kế đến là việc tu Tâm, đây là việc huấn luyện lâu dài để có được tâm thiện lành bình an và vững chãi. Bên cạnh đó có sự học hỏi lãnh hội tri thức Phật Giáo từ chư Tăng và bạn đạo. Và sau cùng là đạt đến sự thành tựu của trí tuệ và giải thoát.
Con đường hành trì tâm linh Phật giáo là một hành trình lầu dài, đòi hỏi người thực hành phải kiên trì thực hiện và tích lũy liên tục. Bên cạnh việc nỗ lực của tự thân, người Phật tử phải dựa vào năng lượng tích cực của cộng đồng tu tập trong những lúc mình gặp khó khăn, không vượt qua được những bất trắc xảy ra trong cuộc sống.
Trừ những người có khả năng đặc biệt có thể vượt thoát ra khỏi sự bình thường của một cộng đồng nào đó, đi một mình thì mới có khả năng tiến nhanh đến mục tiêu của mình. Còn lại hầu hết chúng ta cần phải đi cùng cộng đồng và tích lũy dần dần mới có được thành tựu trên hành trình tâm linh lâu dài này.
Chương trình tiếp theo sau Pháp thoại buổi sáng là thiền hành, lạy Phật và thọ trai
Pháp thoại buổi chiều, Thiền chánh niệm:
Trong thời khóa Pháp thoại buổi chiều Hòa Thượng Trụ trì tiếp tục chia sẽ về thiền chánh niệm
Chánh niệm là gì ?
Theo Hòa Thượng chánh nghĩa là đúng và không sai, thiện và không ác, vui và không buồn… Niệm là nhớ, niệm cũng chính là tư duy, niệm là hoạt động tâm ý của mình. Niệm khởi liên tục là lực đẩy ở phía dưới nên thường không dừng lại được suy nghĩ của mình.
Chúng ta hay bị rắc rối về niệm thường là do một số yếu tố tạo nên lực niệm. Một là suy nghĩ ô nhiễm do tham sân si khởi lên gọi là động niệm hay gọi là loạn niệm. Hai là suy nghĩ có đường lối sai gọi là tà niệm hay còn gọi là vọng niệm, tức là suy nghĩ không đúng với đạo lý, không an toàn yên ổn, đưa đến sự buồn bả đau đớn và chia tay. Những đau khổ xuất phát từ 2 yếu tố này là luôn thúc đẩy và cuốn hút làm cho tâm mình sôi lên và không làm cho tâm dừng suy nghĩ làm cho tâm suy yếu đi, dẫn đến suy nhược thần kinh vì sức mạnh tâm thức liên quan đến hệ thống não bộ. Niệm khởi động liên tục đưa dẫn đến một nội tâm yếu và đưa đến sự liệt tuệ tức là không còn khả năng đưa ra được những quyết định sáng suốt và đúng đắn, thường bị ám ảnh, để trống khả năng tự chủ và trở nên thụ động giống trẻ con. Ở trong những tình cảnh như vậy thì con người thường đi tìm kiếm năng lực siêu nhiên. Và tiếp đến là những khó khăn xuất hiện ở nơi đời sống, có một số vấn đề trong đời sống của mình và con người luôn hướng ngoại và luôn chờ vào tha lực nên trở nên yếu đuối.
Thiết lập con đường chánh niệm là dựng đứng lại một các thẳng thắng, một cách đúng đắn cái niệm của mình để thoát khỏi vọng niệm, loạn niệm, động niệm và thoát khỏi tà niệm để làm chủ được bản thân. Cũng để sáng suốt nhận định ứng xử một cách thăng bằng, phản ứng một cách đúng và tích cực và dừng lại để cho niệm của mình không bị nghiêng.
Con đường chánh niệm là con đường dừng lại những gì mình đã chối bỏ những giá trị của mình, coi thường bản thân của mình, chạy theo những giá trị vật chất.
Khi được học Phật thì chúng ta phát huy được giá trị nằm ở trong ở bên trong tâm của mình, giải quyết vấn đề yếu đuối của tâm thức, giải quyết được sự tấn công, gây tổn thương bởi tà khí và tha lực, giữ cho tâm hồn không bị loạn lạc. Khi có tu chánh niệm sẽ có sức mạnh không bị các yếu tố khác ảnh hưởng nữa.
Trên cơ sở đó, nếu chánh niệm này trở thành giáo dục cho xã hội, cho thanh niên thì chúng ta sẽ tạo được sức đề kháng về mặt văn hóa để những con người trong xã hội không rơi vào những tà niệm, động niệm và những cám dỗ thấp hèn của đời sống vật chất. Điều này rất cần thiết nhưng cũng không phải là việc dễ có thể làm được. Nên con đường chánh niệm luôn được toàn thế giới ái mộ là như vậy.
Khi chú ý hay đặt tâm vào đối tượng, phải nhận ra đối tượng một cách tỉnh táo, nhận thấy và biết được cái mình đang làm và không đang xen vào những buồn vui sung sướng hay đau khổ. Niệm chính là chú tâm. Khi nào chúng ta không chú tâm vào một đối tượng lâu khi đó phải biết chúng ta đang bị yếu đuối, tâm đang có vấn đề.
Để giữ tâm đứng vững mà tĩnh táo và nhận rõ sự hiện hữu của đối tượng là rất khó. Đối tượng của thiền thường là hơi thở, vì hơi thở là đối tượng hiện hữu thường xuyên. Sự chú tâm không phải là sự trơ trơ mà là sự soi sáng trên đối tượng và nhận ra đối tượng một cách rõ ràng thì khi đó có chánh niệm.
Khi thiền hành là cách an trú tâm lâu dài nhất, cuộc đời của Phật gắn liền với bước chân thiền hành. Thật vậy, khi chúng ta ngồi thiền thường không lâu, nhưng chúng ta có thể đi hàng chục cây số, tâm có thể an trú trên bước chân và có thể đắc định trên con đường đi của mình. Cho nên khi đặt niệm của mình một cách chính đáng, một cách mạnh mẽ và sâu sắc trên động tác của mình thì lực của nó cho ta một sự siêu việt trên các thường tình đối đãi cuộc đời.
Sau Pháp thoại thiền chánh niệm là lễ xả giới diễn ra lúc 16h30, đã khép lại chương trình sinh hoạt của đạo tràng Bát Quan Trai tại chùa Từ Tân, mọi người ra về trong niềm an lạc và thảnh thơi của một ngày tu tập tại nơi đây.
Xin được chia sẻ hình ảnh của đạo tràng nhân ngày rằm tháng 10 tại chùa Từ Tân