TP. Hồ Chí Minh: HT. Thích Viên Giác và TT. Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Phước Huệ
Chiều ngày 22/10/Giáp Ngọ (nhằm ngày 13/12/2014), nhận lời mời của ĐĐ. Thích Minh Lộc – Trụ trì chùa Phước …
Chiều ngày 22/10/Giáp Ngọ (nhằm ngày 13/12/2014), nhận lời mời của ĐĐ. Thích Minh Lộc – Trụ trì chùa Phước Huệ (Đường số 7A – Phường Bình Trị Đông B – quận Bình Tân – TP.HCM), HT. Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) và TT. Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã quang lâm thuyết pháp nhân đại lễ Kỳ an – kỳ siêu bạt độ trai đàn chẩn tế – cúng dường Trai tăng tại chùa Phước Huệ, với sự tham dự trên 500 phật tử các giới, đến từ khắp nơi trong địa bàn thành phố và các vùng lân cận.
Buổi lễ diễn ra với sự chứng minh tham dự của Chư tôn Thiền đức Tăng Ni các Tự viện. Ngoài ra còn có sự góp mặt của đông đảo phật tử tại địa phương và các tỉnh thành.
Nội dung chương trình đại Lễ, bao gồm các nghi thức Phật giáo như: Niêm hương bạch Phật, khai chung bảng, thượng phan cúng Phật, cung tiến chư hương linh, tụng kinh Địa tạng cầu nguyện cho âm siêu dương thới, thuyết Pháp, đăng đàn chẩn tế, cúng dường Trai tăng,… Tất cả diễn ra một cách trang nghiêm thành kính, đã mang lại nhiều cảm xúc trong dòng chảy tâm linh, hướng lòng tri ân và báo ân đối với các bậc Thầy tổ, cha mẹ quá vãng, cùng các bậc tiền bối hữu công, anh linh chiến sĩ.
Nhằm tạo sinh khí cho buổi Lễ và tạo duyên lành cho phật tử đến chùa được am hiểu giáo lý, có thể đứng vững trên con đường Phật đạo, đầu tiên HT. Thích Viên Giác đã tản mạn về mục đích sống của con người. Với ý nghĩa này, Hòa thượng khẳng định: “Mục đích sống của con người nói chung là biết tìm kiếm những giá trị sống, những niềm vui, sự hạnh phúc trong đời mình. Và người phật tử đến chùa tu tập, tụng kinh, nghe pháp, niệm Phật, ngồi thiền, quy y, v.v…cũng nhằm mục đích tìm kiếm, xây dựng cho mình cuộc sống bình an”.
Tiếp theo, Hòa thượng phân tích cuộc sống mà không có sự bình an thì con người luôn sợ hãi, lo lắng, sống không thoải mái, không vui vẻ và không hạnh phúc trọn vẹn. Cho nên việc tìm kiếm sự bình an trong cuộc sống là mục tiêu rất quan trọng của mọi người. Tuy nhiên, phương pháp tìm kiếm của mọi người không giống nhau, dẫn đến kết quả khác nhau. Có người tìm được hạnh phúc thật sự, lâu dài nhưng có người chỉ tìm được hạnh phúc ảo, tạm bợ.
Sở dĩ các phật tử đến chùa nhiều mà không chán, chỉ vì đi chùa có được sự bình an, hạnh phúc. Khi đến chùa tu tập, trí tuệ và tấm lòng của mình được rộng mở, tâm thấy an lạc, chứng tỏ con đường giáo Pháp mà mọi người tiếp nhận có hiệu quả. Người nào đi trên con đường Phật pháp, người đó có hạnh phúc trong đời sống hiện tại và tương lai. Và trong sự xác quyết này, Hòa thượng dẫn chứng: “Nhìn khuôn mặt tươi vui, từ hòa, dáng điệu trang nghiêm, vững chãi của những người đang ngồi trong Pháp hội này, đã phản ảnh được đời sống chánh hạnh của người phật tử”.
Tuy nhiên, hạnh phúc chúng ta có không hoàn hảo vì có những cái gọi là bất an, khiến chúng ta không tự tin. Khi tâm bất an, không tự tin, chúng ta cần xem lại tâm nguyện của mình có thay đổi không, phương pháp tu tập của mình có đúng không, sự tinh tấn, nỗ lực của mình có đủ không, tức là phải coi lại bản thân. Chúng ta không thể mong chờ vào sự giúp đỡ của người khác, hay của các thế lực thần bí để có được cuộc sống bình an, vì tất cả những thứ liên quan đến cuộc sống của ta đều từ bản thân mình quyết định. Ngoài ra, nó phụ thuộc vào phẩm chất, giá trị tâm linh mà ta được cài đặt từ quá khứ, tích lũy trong đời sống hiện tại. Tóm lại, nó nằm trong nội tâm. Việc cứu xét tâm tính của mình, tìm ra khuyết điểm để sửa đổi, để đặt chân vào con đường chánh đạo là giải pháp đúng nhất. Cho nên, con đường của đạo Phật bao giờ cũng đặt nặng vấn đề tu ở trong tâm.
Tâm bình là thế giới bình. Đây là câu nói phổ biến mà các phật tử ai cũng biết. Tâm mình có bình an thì thế giới của mình mới bình an, điều này được chứng nghiệm một cách toàn diện ở nơi Đức Phật và những bậc Thánh Tăng. Chúng ta có thể trải nghiệm điều này trong cuộc sống của mình qua thực tế tu tập. Nhưng chúng ta sống cuộc sống thế tục, có quá nhiều mục đích phải thủ đắc, phải đối phó, đấu tranh để đạt được những giá trị của cuộc sống (giá trị vật chất). Vì quá đấu tranh cho những giá trị vật chất tầm thường, chúng ta đã đi qua giới hạn của sự bình an, lọt vào tham, sân, si. Từ đó gây ra nhiều nghiệp chướng. Do đó, nhiều khi chúng ta muốn tiến lên trên con đường giác ngộ, muốn tu tập tinh tấn nhưng lại cảm thấy bất lực vì cuộc đời quá nhiều éo le, cay đắng, duyên nghiệp mà ta không gỡ ra được. Vì vậy, đi tu thật sự rất khó.
Đi chùa là đã có duyên với Phật pháp. Để các phật tử có niềm tin vào Tam bảo và tạo cho họ một tâm linh an ổn, Hòa thượng khuyên hai điều: Thứ nhất, phật tử cần quán chiếu cuộc đời là vô thường, ai rồi cũng phải chết, điều này là một quy luật vận động phổ biến tất yếu. Thứ hai, phật tử phải niệm Phật vì mình chưa đủ tuệ quán để có thể liễu sinh thoát tử, nên phải dựa vào ân đức, hào quang của Phật. Chúng ta vừa quán, vừa niệm để bổ túc cho nhau, giúp tâm mình mạnh mẽ, sâu lắng, an tâm hơn. Ngoài ra, Người còn dạy các phật tử bốn hơi thở trong quán pháp của Tứ Niệm Xứ, đó là: Hít vào, thở ra: đời là vô thường; Hít vào, thở ra: đời là tan rã; Hít vào, thở ra: đời là đoạn diệt; Hít vào, thở ra: hãy sống buông xả…
Như vậy, khi an được tâm thì cái cảnh sẽ an theo, con đường trước mặt sẽ sáng. Còn những người vất vả bởi lẽ họ không có tu. Đừng chờ nước tới chân mới nhảy thì cũng hơi bị trễ. Chúng ta khi còn trẻ cần ráng tu để có cuộc sống bình an, thánh thiện ngay từ bây giờ, sao cho khi về già, nhìn lại quá khứ không thấy tiếc nuối. Đó là lời khuyến tấn của Hòa thượng giảng sư trước khi kết thúc phần thuyết giảng của mình.
Để tiếp lời HT. Thích Viên Giác, giúp cho các phật tử biết được sống như thế nào cho đúng, hầu có một tương lai tốt đẹp mà không phải hối tiếc khi nhìn về quá khứ, TT. Thích Chân Quang đã đưa ra một số triết lý về quá khứ và tương lai, đi dần từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu. Càng nghe, mọi người càng thêm phấn khởi, tinh tấn, vì nhận thấy một chân trời đạo lý rộng mở trước mắt của một sự trải nghiệm tu tập…
Và trước khi đưa ra những quan điểm của mình, Thượng tọa khẳng định: “Quá khứ là chuyện đã qua, vị lai là chuyện sắp đến. Giá trị của quá khứ không thể nào phủ nhận được, vì nó cho ta những bài học kinh nghiệm để thể nghiệm ở tương lai. Tuy nhiên, tương lai không giống quá khứ, nên chúng ta đừng khờ dại ứng dụng 100% kinh nghiệm của quá khứ vào. Nhân đây, Người gợi mở đưa ra bảy triết lý về quá khứ, tương lai như sau:
Thứ nhất, quá khứ là nhân, tương lai là quả. Những điều phúc, điều thiện trong quá khứ sẽ thành quả báo của vị lai. Với người phật tử, quả báo vẻ vang nhất là thành tựu những Thánh quả cao siêu, không phải là hưởng thụ, chìm đắm trong thế tục.
Thứ hai, quá khứ là tình nghĩa, tương lai là trách nhiệm. Tình nghĩa là cái tồn tại mãi mãi, người sống tình nghĩa là người cao thượng. Chúng ta sống là hướng về tương lai nhưng không vì tương lai, vì trách nhiệm trước mắt mà quên tình nghĩa. Cái khó là tuy không quên tình nghĩa nhưng cũng không quỵ lụy tình nghĩa mà quên đi trách nhiệm với cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Chúng ta phải cân đối được hai điều này trong cuộc sống. Người làm được vậy là người vừa cân đối được tâm lý, vừa cân đối được tâm hồn mình.
Thứ ba, quá khứ là những điều đã biết, tương lai là những điều chưa biết. Đây là một trong những triết lý mà ta phải hiểu. Quá khứ đi qua cố định, không thay đổi được, nhưng tương lai thì dao động, không cố định, vì có những tham số “M” ẩn trong cuộc đời của ta, những tham số “M” đó không ai biết được, kể cả những người trí tuệ nhất, trừ Đức Phật. Đó là lý do tại sao nói “Thiên cơ bất khả lộ”. Cho nên, dù chúng ta đủ duyên phúc gặp người có trí tuệ – họ biết được vị lai của ta – nhưng không bao giờ họ dám nói ra, vì nói toạc ra là biến đổi vị lai liền, lạ như vậy. Tương lai có một điều rất lạ, là nếu bị bộc lộ, bị tiết lộ thì nó nhảy qua đi đường khác, đây là một bí mật. Nên sau này nếu ta gặp người tốt thì ta đừng khen, vì ta khen thì tương lai họ biến đổi liền. Nhưng nếu ta thấy điều gì xấu đến với họ thì nên nói cho họ biết, để họ lo tu chỉnh mà giảm đi phần nào nghiệp xấu.
Thứ tư, quá khứ có nhiều cái hay của người xưa mà bây giờ ta không còn tìm thấy được nữa, nó thất truyền từ từ. Ví dụ người xưa họ có cái kỹ thuật ướp xác hoàn hảo và tinh tế mà bây giờ ta tìm không ra. Hoặc người xưa xác định được hàng ngàn vị trí huyệt đạo trong cơ thể con người và có tác dụng cụ thể của nó, nhưng ngày nay dù Bác sĩ mổ khắp cơ thể con người vẫn không tìm thấy cái huyệt nào. Tuy nhiên, nếu châm cứu trúng huyệt đó thì thấy kết quả liền. Điều này buộc các Bác sĩ Tây y phải công nhận là có huyệt đạo. Cho nên có những cái mà người xưa biết nhưng người nay không biết. Có những điều của ngày xưa mà cứ càng xưa chừng nào thì giá trị càng cao chừng nấy. Ngược lại, cũng có những thứ đồ cũ rồi thì vứt đi. Như vậy, có những thứ càng mới càng có giá trị, nhưng qua thời gian thì giá trị của nó giảm dần. Nhưng cũng có những thứ càng lâu năm thì càng có giá trị. Đó là những điều mà ta không thể hiểu được hoặc có lí do của nó khi đánh giá về giá trị của một vật ở quá khứ và tương lai.
Thứ năm, quá khứ có khi là nền tảng của tương lai, vì ta phải dựa vào quá khứ để đi đến tương lai. Ví dụ như công phu tu hành, những cái phước mà ta đã gây tạo, những đạo đức mà ta đã xây đắp thì đó là những nền tảng để ta bước vào tương lai với sự tu hành vững chắc. Tuy nhiên, có những quá khứ ta muốn chối bỏ hay giấu kín hoàn toàn, không muốn dính dáng đến nữa để mọi người không biết ta là ai, không biết ta như thế nào mà làm lại một cuộc đời mới. Thế nhưng, rất khó để biết đâu là quá khứ ta cần dựa vào, đâu là quá khứ ta muốn chối bỏ. Nếu ta may mắn đi qua quá khứ đó, ta có trí tuệ, biết điều đúng, sai, biết đi trên con đường của Chánh pháp, của đạo đức thì mỗi bước đi trong quá khứ là một bước thành tựu của tương lai. Ngược lại, nếu không may thì mỗi bước đi trong quá khứ là một điều ô nhục. Thực sự đó chỉ là điều may hay không may chứ không phải là hây hay không hây. Nên khi gặp một người họ có một quá khứ tối tăm, mình thấy họ đáng thương hơn đáng trách là như vậy. Cho nên, chúng ta cứ siêng làm từng điều đúng để góp nhặt lại thành công đức cho tương lai.
Thứ sáu, có những điều trong quá khứ mất dần giá trị trong hiện tại, không dùng được nữa theo đúng quy luật vô thường. Ví dụ cơ thể đẹp đẽ của quá khứ nhưng rồi mất dần khi ta bước tới tuổi già, hoặc có những lâu đài, những đền đài cũ mà một thời vinh quang, tấp nập đông đúc thì ngày hôm nay chỉ là một nền cũ hoang tàng, lâu lâu có vài người tới chụp hình, ghi chép, nghiên cứu và không còn dùng gì được nữa, chỉ có giá trị khảo cổ, v.v… Đó là vì theo đúng quy luật vô thường, nghĩa là không có gì thường xuyên trường tồn mãi mãi. Chẳng hạn, có người khi đương thời là người có chức vụ, được nhiều người đến cầu cạnh, hỗ trợ, nhờ vả, nhưng đến khi qua thời đại đó rồi, qua thời gian đó họ về hưu, rồi họ chết thì mọi chuyện chìm dần vào quên lãng, không còn ai nhớ nữa, hoặc chỉ nhớ mang máng mơ hồ thôi và bây giờ cũng không gây lại cho người sau này một cảm xúc gì nữa.
Nhân đây, Thượng tọa phân tích, lý giải tại sao vào thời Đức Phật, người tu đắc đạo dễ dàng hơn thời nay. Bằng cảm xúc của mình Thượng tọa đã gieo cái ấn tượng về sự tôn kính đối với Đức Phật là tuyệt đối, thật mãnh liệt trong lòng người nghe. Đạo lý này thường được đề cập đến hay trình bày trong các bài thuyết giảng về giáo lý của Người, nhằm gieo cái duyên chứng quả lại cho chúng sinh, mà cũng là đồng nghĩa với việc muốn tìm lại thời chánh Pháp của Đức Phật.
Để các phật tử hiểu hơn về sự khác nhau giữa Chánh pháp và Mạt pháp, Thượng tọa chỉ rằng: Giữa “Chánh” và “Mạt”, chúng khác nhau ở yếu tố lòng tôn kính Phật nhiều hay ít. Thời Chánh pháp, lòng tôn kính Phật tràn đầy; còn thời Mạt pháp, lòng tôn kính Phật mơ hồ, hình dung không ra. Cho nên để rượt lại, trì kéo lại thời Chánh pháp thì ta chỉ kéo lại bằng lòng tôn kính Phật, mà vốn đã chìm vào quên lãng theo quy luật vô thường.
Lại nữa, sự sùng bái quá khứ là một cái cố chấp, mà bỏ quên quá khứ là một điều nông cạn. Và Thượng tọa cũng giải thích rõ sùng bái quá khứ là gì. Và tại sao nói chối bỏ hết quá khứ lại là một điều nông cạn. Đồng thời, Thượng tọa nhắc nhở các phật tử rằng: Phật là quá khứ mà không gì so sánh nổi, không thể có ai bằng Phật. Ta phải xác định điều này để tránh phạm vào tà kiến, tránh vướng vào tà sư. Chứng minh điều mình nói là bằng trí tuệ, không phải bằng sự cố chấp cực đoan, Thượng tọa đưa ra hai lý do. Thứ nhất, Đức Phật tuyệt đối vô ngã. Thứ hai, công đức của Người trải qua vô lượng kiếp. Hiểu được điều này thì trong sự tu hành, trong các pháp môn tu, lúc nào ta cũng phải dựa vào từng lời dạy của Phật một cách kỹ lưỡng, đừng để lệch ra khỏi lời dạy của Phật, bắt đầu từ hệ thống kinh Nikàya trước, rồi sau đó mới giỏi những kinh điển khác, vì Nikàya là nền tảng của giáo lý trong đạo Phật. Nhiều khi những lời nói đó đơn giản nhưng không hề sai lầm, mà ẩn chứa trong đó một sự vĩ đại vô hạn.
Thứ bảy, ngày nay chúng ta có thể tìm hiểu về đạo Phật một cách dễ dàng, thuận lợi hơn trước nhờ khoa học công nghệ phát triển. Tuy nhiên, thuận lợi hơn không có nghĩa là hay hơn. Cuộc sống thời quá khứ là cuộc sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Thiên nhiên có lợi cho cuộc sống tu hành đẹp đẽ của ta, nhưng nó cũng bất lợi cho việc giáo hóa. Chính sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cộng với đời sống tiện nghi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo hóa. Nếu ta thích thiên nhiên giản dị thì mình giáo hóa rất kém; còn ta thích tiện nghi văn minh thì việc tu hành dở đi một chút. Ta phải suy nghĩ, cân đối lại để vừa ở với thiên nhiên, vừa sống tiện nghi, lại vừa khéo léo áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc giáo hóa độ sinh.
Nói về quá khứ, tương lai nhưng Người cũng không quên nhắc nhở các phật tử về hiện tại cuộc sống của mình. Quá khứ là cái đã qua ta không thay đổi được, tương lai là cái còn xa, ta chưa biết trước, chưa chạm tới nhưng hiện tại là cái ta đang sống, nên cần quan tâm nhiều hơn. Người yêu cầu các phật tử không được vọng tưởng mà phải sống thực tế, vì vọng tưởng là suy nghĩ của ta, luôn luôn là sự rời khỏi hiện tại. Khi ta vừa động tâm suy nghĩ một cái gì đó, lập tức tâm ta hoặc chạy về quá khứ, hoặc hướng về tương lai, đó là quy luật của tâm, quy luật của vọng tưởng. Nếu chúng ta cứ mãi vọng tưởng thì cuộc sống của ta rất dễ đứng im, bế tắc. Chúng ta phải tỉnh giác chánh niệm, tức là phải an trú trong từng sát na của hiện tại. Để mọi người tránh vọng tưởng, Phật có bài kệ “Nhất dạ hiền giả”, đó là: Không truy tìm quá khứ; Không ước vọng tương lai; Lúc nào cũng phải an trú trong hiện tại; Bởi vì tuệ quán là đây.
Không có gì thật sự là hiện tại vì từng sát na hiện tại đang trôi qua rất nhanh. Phật dạy ta an trú trong hiện tại là an trú trong sự trôi chảy của thời gian, không để lọt vào quá khứ, vào tương lai. An trú trong cái trôi chảy là không an trú trong cái gì cả, đó chính là Phật pháp, là chánh niệm tỉnh giác, là quá khứ, là vị lai.
Cuối cùng, Thượng tọa nhấn mạnh, ta là kết quả của quá khứ, cũng là tác giả của tương lai. Hôm nay ta làm gì thì tương lai ta thành cái đó. Một điều tốt đẹp nó lây lan thành những điều tốt đẹp, một điều xấu xa sẽ lây lan thành những điều xấu xa. Ta muốn tương lai ta như thế nào thì hôm nay ta vẽ nên bức tranh đó, gieo hạt giống đó, nhào nặn, vun đắp cho những điều đó. Ta yêu quý từng chút đạo lý, từng con người ta gặp trong cuộc đời này, sống có tình nghĩa với quá khứ, sống đầy trách nhiệm với tương lai. Hiểu, vun vén và xây đắp được những điều này thì tương lai ta sẽ là những bậc Thánh tràn đầy tình yêu thương với con người, tràn đầy những ích lợi ban rải cho cuộc đời.
Qua chừng ấy trưng dẫn, chúng ta đã thấy những triết lí về quá khứ, hiện tại của Thượng tọa được diễn đạt một cách rõ ràng, giúp cho các phật tử và các thiện tri thức có thêm một tầm nhìn chính xác, đầy đủ, đúng đắn, bao dung hơn với quá khứ nhưng cũng khắt khe, nghiêm khắc hơn với tương lai của mình. Từ đó, mỗi người chúng ta biết cân bằng cuộc sống của mình, không quỵ lụy nhưng cũng không quên quá khứ; sống có tình nghĩa, có trách nhiệm để xây dựng một tương lai tốt đẹp. Chúng ta cần mãi nhớ rằng cái chìa khóa của kho tàng tâm thức, của hạnh phúc muôn đời đang ở trong tay mình, nó rất gần gũi và giản dị, nếu mình nhận ra điều đó./.
Những hình ảnh của Đại lễ kỳ an – kỳ siêu tại chùa Phước Huệ: