Lễ Tri Ân Sư Phụ Trụ Trì – ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2022
Ngày 20-11 vừa qua, Quý Thầy cùng với toàn thể các ban ngành, đạo tràng chùa Từ Tân và Quý Cô ở Thiền Thất Hương Vân cũng tề tựu về chùa để tổ chức Lễ Tri Ân Sư Phụ trụ trì nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Ngày 20-11 vừa qua, Quý Thầy cùng với toàn thể các ban ngành, đạo tràng chùa Từ Tân và Quý Cô ở Thiền Thất Hương Vân cũng tề tựu về chùa để tổ chức Lễ Tri Ân Sư Phụ trụ trì nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam.
Thầy đã tâm sự với chúng con về con đường tìm cầu đạo của mình và giảng dạy đạo lý là nguồn sống và sứ mệnh của thầy cũng như Người nghĩ ra cách thức để truyền đạt những gì mà người hiểu biết cho chúng con hiểu được rõ ràng hơn và tùy theo căn cơ trình độ cũng như nhu cầu của từng người mà Thầy tìm cách thức độ cho họ an lạc và hiểu được triết lý của Phật. Trong đoạn đầu của buổi pháp thoại, Sư Phụ đã chia sẻ như sau:
“Ngày 20/11 là ngày Nhà Giáo Việt Nam, thầy là người đi dạy, nói mà giảng dạy là hơn 40 năm, từ năm 1980 là giảng tại chùa Từ Tân này, duy trì đạo tràng tu học bát quan trai hàng tuần. Sau đó thầy liên tục như vậy, các bạn trẻ cần phải học tập, thầy cũng giảng dạy. Hồi đó, nhu cầu và thiện chí tu học của Phật tử rất lớn. Sau khi Thầy thi đậu vàoTrường Cao cấp Phật học thì vừa đi học, vừa giảng dạy. Vừa đi học vừa trụ trì, vai trò của người thầy, vai trò của người trụ trì là giảng dạy, hướng dẫn quần chúng Phật tử sống đúng với giá trị đạo đức, tôn chỉ của Phật Pháp và sống, thực hành phù hợp với luật pháp. Cho nên Thầy phát nguyện noi theo Đức Phật lấy việc giảng dạy làm sứ mệnh mà mình đã đeo mang từ khi bước chân vào chùa.
Nỗi niềm thao thức về chân lý, về lẽ sống về mục tiêu của đời người đã ám ảnh thầy khi còn rất nhỏ, vào khoảng 15, 16 tuổi, là đã có những trầm tư về ý nghĩa của cuộc đời và chúng ta sống để làm gì và tương lai sẽ đi về đâu? Chết sẽ đi về đâu? Để giải quyết vấn đề tư duy triết học đó thì thầy tìm cả đời, thông qua chuyện học hành, thông qua sự thảo luận, tranh luận, thông qua sự giảng dạy, tư duy và thông qua sự thực tập, trải nghiệm để cảm nhận được hương vị đích thực của con đường mà mình đã chọn. Cho nên nguồn lực của Phật Pháp nó trở thành nguồn lực sống chính của thầy, có thể mình sẽ bệnh tật, có thể mình sẽ gặp những khó khăn, bức xúc đủ thứ, nhưng khi đã là nói Pháp thì sinh lực được phục hồi.
Bậc thầy là tấm gương sáng, đạo đức lớn của đời mình, đời của chúng ta là Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Hình ảnh của Đức Phật, từ khi thành đạo cho đến khi nhập niết bàn, giờ phút nào cũng truyền bá chánh pháp. Khát vọng tuyên dương chánh pháp của Phật cho cuộc đời là khát vọng lớn, xuyên suốt của Thầy. Cho đến bây giờ cũng vậy, già hơn, mệt hơn nhưng mà nó không có thay đổi mục tiêu đó, hành trình đó. Thầy rất là hạnh phúc, có lẽ là Phật bổ xứ rồi chư Tổ hộ trì cho nên giúp cho mình có được điều kiện để học hành, làm tăng trưởng trí tuệ, nhận biết về giáo pháp một cách hệ thống rồi tạo môi trường điều kiện để cho mình có cơ duyên truyền bá.
Thầy đi dạy chỉ để đi dạy thôi, không phải vì danh, không phải vì lợi, từ đầu cho tới bây giờ, với một chiếc honda xoàng xoàng đi từ đây tới Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, sáng đi trưa về, sáng đi chiều về trong khi đó mình là trụ trì một chùa. Nếu mà nói vì danh vì lợi thì rõ ràng là đi dạy, lợi không có gì, danh cũng không đáng kể. Nếu có một chương trình sự kiện nào đó để mà ngồi tham dự thì cái ghế của giáo thọ là khiêm tốn nhất, tức là danh không đáng kể gì cả!
Thầy chỉ biết là nó là nguồn sống của mình và đó là sứ mệnh của mình mà làm thế nào để khám phá trọn vẹn hơn con đường mà mình đã đi và làm thế nào để giới thiệu con đường đó cho những người đệ tử của mình và những người hữu duyên. Càng ngày thầy càng thấy rõ rằng, sự đau khổ của kiếp người không chừa một ai cả, không ai có hạnh phúc cả, cho dù người đó là chức cao, quyền trọng, cho dù người đó là giàu có đến độ nào, đẹp đẽ cỡ nào, sức khỏe cỡ nào, lợi thế cỡ nào. Tất cả đều chìm vào trong đau khổ, nỗi đau khổ của con người gần như là bản chất của sự sống và con người đều chìm vào trong nỗi khổ triền miên bất tận.
Bản thân của mình cũng tiếp nhận nỗi khổ đó và mình tư duy về nguồn cội của những nỗi khổ mà mình đối mặt và mình nhận ra cái nỗi khổ đó, cái nguồn cội tạo ra sự khổ ấy ở nơi đời sống con người. Đồng thời cũng nhận ra rằng mình đã bớt khổ vì thấu hiểu được con đường đạo, vậy thì muốn giúp cho người khác bớt khổ bằng cách làm cho họ hiểu được con đường đạo, không có cách nào hết.
Thiếu tiền ư, tôi cho tiền, không giải được khổ; thiếu tình ư? Có tình rồi, không giải được khổ; không có nhà, xây nhà cho ở, khổ vẫn còn đeo đẳng, không hết. Anh bệnh nặng, anh chữa hết bệnh, anh hết khổ không, không có. Rồi những nỗi khổ, vẫn bất di bất dịch. Mọi thứ thay đổi, lên voi xuống chó đều là biến đổi bất thường của cuộc đời này. Cho dù lên hay xuống, nỗi khổ vẫn tồn tại trong cuộc sống của con người. Hãy nhìn vào thực tại để thấy được nỗi khổ đó có mặt thường xuyên thì ta sẽ thấy rõ. Vấn đề là thấy rõ, một lần chưa thấy rõ, chúng ta sẽ tiếp tục và sự thấy đó nó càng ngày càng sâu, càng rõ và khi ta thấy rõ thì ta thấy được nguyên nhân của khổ, khi chúng ta thấy được nguyên nhân của khổ tự nhiên bớt khổ. Từ đó mình thấy giải quyết nỗi khổ không phải là bằng vật chất, không phải là bằng những lợi thế ở thế gian này mà nó phải bằng Phật Pháp, không phải Thế Gian Pháp.