CLB Thanh Niên Phật Tử chúc Tết HT. Thích Viên Giác

Vào tối ngày mùng 10/1 ÂL (17/02/2016) toàn thể thành viên CLB Thanh Niên Phật tử Từ Tân đã cùng …

Vào tối ngày mùng 10/1 ÂL (17/02/2016) toàn thể thành viên CLB Thanh Niên Phật tử Từ Tân đã cùng nhau tổ chức lên Chùa chúc Tết đầu năm đến Hòa Thượng Trụ Trì – Thầy cố vấn giáo hạnh trực tiếp của CLB.

Anh Huỳnh Danh Chiêu Phú, đại diện các bạn thành viên đã gửi đến Thầy những lời chúc sức khỏe dồi dào, luôn thành tựu trong các hoạt động Phật sự để CLB lại được tiếp tục góp 1 phần công sức nhỏ bé của mình dưới sự dìu dắt chỉ bảo của Thầy đem lại an lạc cho tất cả mọi người. Cũng như chúc Thầy luôn thành tựu trên con đường tu tập tâm linh để làm bóng cây lành che chở cho chúng sanh nương tựa.

Các bạn thành viên cũng đã nhận được từ Thầy lộc Xuân và những lời chia sẻ, giáo huấn chân tình và ấm áp từ Thầy. Xin mạn phép trích dẫn lại những lời chia sẻ của Thầy trong buổi tối đầy ý nghĩa hôm đó:

“Trong cuộc đời của con người muốn có sự thành tựu phải có sự thành tựu toàn diện, thành tựu một mặt chỉ là thành tựu nhỏ thôi, hạnh phúc không được trọn vẹn. Cho nên con đường của Phật là con đường để xây dựng đời sống hạnh phúc thật sự và trọn vẹn. Mà hạnh phúc trọn vẹn nó không phải chỉ có vật chất mà còn có tinh thần, mà không phải chỉ có tinh thần mà còn có tình cảm.

Nó có những cái đồng bộ phát triển mà trong đạo Phật gọi là phát triển đồng bộ 5 lĩnh vực:

1. Phát triển thể chất: thể chất của mình khỏe mạnh, tươi tắn và có điều kiện môi trường sống tốt, cái này cần phải thiết lập. Để có đời sống như vậy không đơn giản mà phải có công đức, thì mới có được sức khỏe, trẻ đẹp và một điều kiện sống tốt.

2. Cảm xúc mình phát triển về mặt vật chất, thân tướng đẹp trai, cao ráo, có tiền có xe chạy nhưng mà cảm xúc hời hợt quá, thô tháo quá, không tế nhị. Không cảm nhận được chiều sâu ở bên trong, những biểu hiện bên ngoài của con người và của thiên nhiên, của xã hội. Cảm nhận của mình về cảm xúc vui, buồn, nhẹ nhàng, thanh thoát… những cái hạnh phúc phải có nhiều chiều.
Có những người chỉ vui được khi có ăn thôi những người như vậy phải làm để ăn hoặc tích trữ đồ ăn và luôn luôn hướng đến việc ăn cho nên người đó trước sau cũng tròn ra thôi. Và cảm xúc của mình, hạnh phúc của mình thông qua ăn thì nó sẽ không thanh cao mà chỉ là cái thỏa mãn về giác quan, vị giác, khẩu vị cho nên trí độ cảm nhận của mình về đời sống nó rất hẹp. Nhìn đời qua lăng kính của ăn thôi.

Ví dụ: bây giờ chúng ta đi du lịch, đi Phan Thiết – Mũi Né đều mà mình thiết kế chương trình toàn là ăn và ăn, mình chỉ hạnh phúc nhất là khi thấy cá, tôm, mực…lăn tăn về cái ăn thôi.

Biển đẹp như thế nào không thấy, cát đẹp như thế nào không thấy, các làn gió mát thổi ra sao không để ý. Tóm lại những cái thiên nhiên những biến đổi của hoàn cảnh, biểu hiện của con người, bạn bè không thấy. Đi trên đường chẳng có gì vui cả, ngủ khò, chỉ ngồi chờ tới chỗ ăn là hết.

Trong khi đó ta đi du lịch ta cảm nhận niềm vui trên xe, khi gặp gỡ nhau, xe chạy chúng ta cảm nhận được cảnh quan, chúng ta nhận ra được nhiều vẻ đẹp trên đường đi, những lời ca, tiếng hát, những biểu hiện với nhau chớp chớp đôi mắt. Có nhiều cái mà mình thấy cả thế giới sinh động, rất đẹp đẽ mà không cần phải tới nơi, điểm đến mình mới hưởng thụ được, mà mình hưởng thụ ngay khi mình gặp gỡ nhau và trong quá trình vận hành, vận động như vậy liên tục cảm nhận hạnh phúc, cho nên niềm hạnh phúc người đó rất lớn.

Người hạnh phúc hẹp thì khả năng tiếp nhận cái hạnh phúc của đời sống nó hẹp quá. Cho nên cảm nhận nó rất ít, nó chỉ ở chỗ đó, làm chuyện đó nó mới hạnh phúc, cho nên người như vậy nỗi buồn nhiều lắm. Rất dễ bị chạm tự ái, bởi vì không cảm nhận được chiều sâu của lời nói, của ánh mắt hay là một cử chỉ nào đó.

Cho nên niềm vui ít quá, nỗi buồn, phiền não nhiều hơn và nó làm cho mình cằn nhằn liên tục. Đó là những người bạn khó xây dựng cho mình đời sống hạnh phúc. Cho nên mình cần phải nuôi dưỡng phát triển cảm xúc tốt đẹp và hầu như cuộc đời mình, chất lượng sống của mình được đánh giá qua nội dung, nội hàm cảm xúc. Cả cuộc đời của chúng ta chỉ là hạnh phúc, chúng ta có 2 chữ sướng và khổ. Sướng là cảm giác hạnh phúc và khổ là cảm giác đối nghịch.

Nếu mà chúng ta không tạo cho mình một nền tảng tốt đẹp để xuất sinh những cảm giác tốt đẹp thì gần như là chúng ta sẽ đối mặt với những khó khăn. Chúng ta tìm kiếm giá trị sống quá khó. Chúng ta đòi hỏi phải có xe hơi chúng ta mới có hạnh phúc, chúng ta có nhà lầu chúng ta mới có hạnh phúc, chúng ta có Ipad, Iphone chúng ta mới có hạnh phúc, chúng ta có sự chăm sóc đặc biệt chúng ta mới có hạnh phúc. Tức là chúng ta đòi hỏi quá nhiều điều, như vậy hạnh phúc rất ít, rất khó, đúng là muốn ăn thì phải lăn vào bếp, vất vả.

Còn một người đào luyện giỏi về mặt tâm linh thì người đó hạnh phúc rất dễ chỉ cần một làn gió mát người đó cảm nhận ngay cái hạnh phúc, cảm thấy gặp gỡ nhau là hạnh phúc không cần cho nhau cái gì cả.

Như Thầy thấy các con là Thầy đã hạnh phúc, như thấy đem cả bầu trời Tết về, quê hương đem lên, người nào cũng còn hăng hái phấn khởi, năng lượng đó òa lên và nhập vào Thầy. Thầy hạnh phúc lắm, hạnh phúc khi nhìn thấy mấy đứa con lố nhố dưới kia chứ không phải nhận từ tụi con một cái gì mới hạnh phúc.

3. Tâm tưởng của mình: có những người tâm trưởng tiêu cực lắm, luôn luôn hướng về chỗ không hài lòng, không đẹp. Tâm tưởng luôn tưởng tới những cái không đẹp “ tao tưởng mầy buồn” hay “tao tưởng mầy giận tao” khi thấy người kia nhìn mình. Tại sao mình không tưởng là người đó đang nhớ mình mà lại tưởng là người đó giận mình?

Có hai cái là khi mình nhớ hay mình giận có trạng thái hơi giống nhau, đó là hơi trầm tư và lắng động một chút, mắt mơ màng một chút. Cái đó có thể là đang nhớ, đang thương hay cũng là đang buồn. Thì xu hướng của người có tâm tưởng yếu thì luôn nghĩ là nó xấu. Một sự tưởng tượng rất là yếu, tức là sự thánh thiện ít mà sự xấu ác lại nhiều.

Ví dụ như một người nhìn thấy một con gà con thì lại nghĩ đến việc nhậu ngay một chầu thì đó là người có tâm tưởng quá yếu, không có sự lương thiện.

Cho nên một người có tâm tưởng xấu, tích lũy, hội tụ những năng lượng xấu, tạo bầu trời tâm thức u ám. Và thế giới bắt đầu từ đó, nó đi theo mình đi vào hoàn toàn là những thứ bất mãn khó chịu. Nếu như mình có thể thấy con gà nhởn nhơ, nó rất đẹp trong một thế giới mầu nhiệm, với sự hiện hữu của một con vật dễ thương, cảm nhận được một sức sống đang vươn lên, một mầm sống đang nẩy nở và đóng góp vào môi trường sinh thái của con người và vũ trụ. Đó là cái nhìn của những con người có phẩm chất tốt ở bên trong.

Đạo Phật xây dựng cho chúng ta đời sống tâm thức đẹp, có một tâm tưởng thánh thiện. Nên khi mình nhìn vào đời sống mình thấy rất thích thú, dễ có niềm vui lắm và nhìn thấy ai cũng hiền, không có đề phòng.

4. Đào luyện cho mình có ý chí vững mạnh, ý chí vững chãi, mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn và mình vượt qua những khó khăn: chứ không sợ khó khăn, không dễ bị sụp đổ, bị chôn vùi bởi những sự xấu ác, sự bất công, bất hạnh ở đời. Thua keo này bày keo khác, mất cái này kiến tạo cái kia, mình luôn mạnh mẽ để vươn lên. Cái đó phải có nội lực mạnh mẽ.

Nuôi dưỡng cho mình mục đích cao đẹp. Sự mạnh mẽ đó phải có mục đích cao để hướng đến và mục đích cao đó không thuộc về vật chất, nếu mục đích là vật chất thì mình chìm vào ngay, tâm mình lên không khỏi đời sống vật chất thì nó sẽ chìm xuống ngày. Mục đích cao thì sẽ bị vật chất, xã hội chèn ép nhưng chúng ta vẫn có đỉnh điểm ở trên để nhấc mình lên bởi vì tất cả những điều này không phải là giá trị mà mình hướng đến nên mình không bị nó phủ mình, dập mình.

Nếu mình đấu tranh để có đời sống vật chất tốt, công ăn việc làm tốt thì càng tốt mà nếu chưa được thì cũng không phải là vấn đề vì chúng ta vẫn là một con người sống đầy đủ những ý chí, đầy đủ những giá trị. Chẳng qua là mình chưa đạt được cái gọi là đời sống vật chất thôi, giá trị bên trong của mình không bị mất đi.

Có nhiều người quá coi trọng vật chất, khi vật chất không có thì giá trị thấp đi theo, và khi mất vật chất thì sẽ sụp đổ. Ví dụ mất tiền là mất cả cuộc đời, mất tình cũng có thể mất cả cuộc đời,… Những người như vậy rất khổ, bị buồn phiền, trầm cảm đưa đến chán sống, còn những người theo Phật không bao giờ chán sống mà lúc nào cũng yêu thương cuộc đời.

Thầy mong các con thể hiện sức sống mạnh của tuổi trẻ, nhưng để sức sống mạnh đó có được một sự hoàn hảo thì chúng ta phải nương vào giáo Pháp của Phật, nương vào con đường xây dựng đời sống tâm linh để chúng ta có đời sống hạnh phúc hơn, cảm nhận được nhiều niềm vui hơn trong cuộc đời. Sự trải nghiệm của mình trong cuộc đời cộng với giáo pháp của Phật sẽ đẩy mình đi lên và sẽ cho chúng ta những trải nghiệm mà người ở đời không có giáo pháp thì không có được.

Cho nên năm mới thì mình:
• Thứ nhất là mình cố gắng để tạo thành mái ấm gia đình. Khi các bạn trẻ đến với CLB thì các bạn luôn luôn nhận được ánh mắt, nụ cười và sự bắt tay ấm áp, chân tình từ những người bạn của mình.

Chúng ta sống ở đời quá nhiều dối trá, quá nhiều lừa đảo, mình đến đây không có cái đó. Làm sao để cho nhau những cái gì mà chân thành, sự chân thành đó làm cho ấm áp mà mình trở thành mái ấm nương tựa khi mà mình mệt mỏi với những đấu tranh chụp giật ở cuộc đời, đến Chùa mình cảm thấy hạnh phúc.

• Thứ hai là hãy sống với sự sáng tạo, hãy giúp cho nhau, hãy cống hiến cho nhau những cái gì mới mẻ. Làm tươi mới chính bản thân mình và qua đó làm tươi mới tổ chức của mình. Nên học cách tiếp cận cái mới và học cách làm mới.

• Thứ ba làm tất cả những gì lợi ích cho tha nhân, lợi ích cho cộng đồng, lợi ích cho nơi nào mà chúng ta có mặt, chứ không phải chỉ có trong Chùa. Ở đâu có các bạn trẻ có mặt, các bạn luôn tìm kiếm đều lành để làm, để cống hiến. Cho nên trong nhà trường, công ty hay một nhóm nào đó, bạn bè thì mình nên làm cái gì đó tốt đẹp cho người khác. Đừng nghĩ nhiều về mình rồi thì các bạn sẽ có những phần thưởng của sự vị tha, đẹp – tốt mà vui, cuộc đời mình sẽ vui hoài vì đi đâu cũng nghĩ tới đều tốt.

Buổi sáng nghĩ điều lành buổi trưa có điều lành để hưởng thụ
Buổi trưa nghĩ điều lành buổi chiều có kết quả của điều lành để mà hưởng thụ
Buổi tối nghĩ điều lành, đêm đó ngủ rất ngon

Ngược lại
Buổi sáng nói điều không lành buổi trưa ăn cơm không vô
Buổi trưa nói điều không lành buổi chiều ngất ngư, mặt mài héo úa
Buổi chiều nói điều không lành buổi tối ngủ không được

Cho nên cái logic đó là rất rõ, nên mình nghĩ về điều lành nghĩ về việc thương mình thì hãy làm những điều tốt.”