Tâm lý học Phật giáo

Khái Quát Hệ Thống Tư Tưởng Phật Học A) Tâm lý học Phật giáo qua giáo lý Nguyên thuỷ Là …

Khái Quát Hệ Thống Tư Tưởng Phật Học

A) Tâm lý học Phật giáo qua giáo lý Nguyên thuỷ

Là tâm lý học ứng dụng vào thực tiển của đời sống chứ không phải là những lý luận khô khan, siêu hình, mục đích là:

  • Cung cấp phương pháp nhận thức về con người chính mình.
  • Tìm cách thay đổi tình trạng đau khổ do rối loạn tâm lý.
  • Giúp con người định hướng tư duy và hành động để đem đến sự chân thiện cho đời sống .
  • Giúp con người đi sâu vào đời sống nội tâm để giải phóng những ức chế tâm lý, những kết tụ của các năng lượng khổ đau và vô minh.

B) Khái quát về tâm lý học Phật giáo qua các luận thư tiêu biểu

Trên cơ sở lý duyên sinh, năm uẩn, tâm lý học Phật giáo về sau hình thành một hệ thống tâm lý học rất phức tạp và tinh vi qua sự xuất hiện các luận thư của các bộ phái, các luận thư tâm lý học tiêu biểu và phổ biến là Thắng pháp tập Yếu luận (Abhidhammatthasangaha) thuộc thượng toạ bộ. Câu xá luận (Abhidhammakosa) thuộc về Nhất thiết hữu bộ, do Thế Thân viết và Duy thức học (Vijũnanaphivada) cũng ở Thế Thân viết thuộc Phật giáo đại thừa.

I. THẮNG PHÁP:

Thắng pháp là tạng thứ 3 trong tam tạng (Kinh, luật, luận) gọi là tạng luận (AbhidhammaPitaka) Trung hoa dịch là A Tỳ Đàm hay A tỳ đạt ma, thường gọi là Vi diệu pháp. Dựa trên cơ sở những lời dạy của Đức Phật và thể tính của các pháp, Thắng pháp đề cập đến cả những vấn đề siêu hình về bản thể, về giải thoát. Bộ Thắng pháp này có nơi coi là của Ngài Xá Lợi Phất.

Định nghĩa về luận thì Nguyên thuỷ hay Đại thừa đều giống nhau. Theo Nhiếp đại thừa luận thì Luận có nghĩa:

1. Đối pháp: Có 2 nghĩa:

  • Đối hướng: Tức là đối diện với Niết bàn, hướng đến Niết bàn.
  • Đối quán: là đối diện với các pháp hiện tượng đã quan sát, phân tích.

2. Số: trình bày giải thích những danh từ, những thuật ngữ, pháp số một cách rõ ràng và thứ tự.

3. Phục: Dùng để khuất phục các tà thuyết của ngoại đạo.

4. Thông: Giải thích thông suốt nghĩa lý sâu kín ở trong kinh tạng, nghĩa là giải thích lời Phật dạy một cách rộng rãi.

Luận Đại Trí Độ giải thích: “Đối với các câu hỏi mà đáp, hoàn toàn là hình thức luận cứu, nêu ra nhiều mặt để phân biệt, như nói 18 giới thì phân biệt cái nào là sắc, cái nào không phải sắc, cái nào có thể thấy, cái nào không thể thấy, cái nào là hữu lậu, cái nào là vô lậu, cái nào là thiện, cái nào là bất thiện..v..v.. như thế gọi là Luận”.

Thắng pháp lập luận dựa trên nguyên tắc:

  1. Không có gì sinh ra mà không có nguyên nhân .
  2. Không có gì sinh ra mà chỉ do một nguyên nhân.
  3. Không có gì sinh ra mà không có tác dụng.
  4. Không có gì tồn tại hơn một sát na.

Mọi sự vật mọi pháp trên đời được chia làm 4 lĩnh vực chính:

  1. Sắc pháp: (Rupa) Thế giới vật lý, có thể gọi là thế giới khách quan.
  2. Tâm vương: (Citta) Khả năng nhận thức, là Tâm thể.
  3. Tâm sở: (Cetasika) là những hoạt động tâm lý, có thể gọi là thế giới chủ quan.
  4. Niết bàn (Nirvana) là pháp siêu thế giới, pháp vô điều kiện và không biến hoại.

Sắc pháp là pháp vô tri và luôn biến đổi chia thành 2 nhóm:

  1. Tứ đại chủng: Đất, nước, gió, lửa.
  2. Tứ đại sở tạo: (do tứ đại mà sinh) có 24 loại

Tứ đại gồm Đất là đặt tính cứng; Nước là đặt tính lỏng; Lửa là đặt tính nhiệt độ; Gió là đặt tính động.
Tứ đại sở tạo có 24: 5 tịnh sắc, 4 hành cảnh sắc, 2 bản tánh sắc, 1 tâm sở y sắc, 1 mạng sắc, 1 thực sắc, 1 hạn giới sắc, 2 biểu sắc, 3 biến hoá sắc và 4 tướng sắc.

Tâm vương và tâm sở là những hoạt động tâm lý cả 2 mặt thể tính và hiện tượng.

So sánh với giáo lý 12 nhân duyên và 5 uẩn ta nhận thấy rằng Danh sắc trong 12 nhân duyên thì Danh (mana) chính là tâm và tâm sở. Đối với 5 uẩn thì yéu tố Thọ, Tưởng, Hành là tâm sở, còn Thức là Tâm vương.

Tâm vương gọi là Citta, ngữ căn Cit nghĩa là suy nghĩ, Tâm vương là khả năng nhận thức sự có mặt của một đối tượng (theo Thắng pháp các từ ngữ như tâm, tâm sở, Danh, ý thức là một). Tâm vương nhận thức sự hiện hữu của một đối tượng là cái biết sinh khởi trong một thời gian rất ngắn (1 sát na). Tâm vương không suy nghĩ trên đối tượng. Việc suy nghĩ về đối tượng là chức năng của Tâm sở.

Tâm sở gọi là Cetasika, là những hoạt động tâm lý, những yếu tố tâm lý, Tâm vương chỉ là một sự tổng hợp của những tâm sở, Tâm sở là những phần tử tạo thành tâm thức và sống trong tâm thức, giống như một dòng sông (tâm vương) là những giọt nước của dòng sông (tâm sở). Một bên là thể tính, một bên là hiện tượng.

Khái niệm về tâm vương và tâm sở là một khái niệm đặc biệt chỉ có Tâm lý học Phật giáo mới có.

Mối quan hệ giữa Tâm vương và Tâm sở có 4 yếu tố:

  1. Đồng sinh.
  2. Đồng diệt.
  3. Đồng đối tượng.
  4. Đồng giác quan.

Điều này muốn nói rằng sự hoạt động của Tâm vương và Tâm sở là bất khả phân, chúng là một cái này, là cái kia… phân biệt chỉ để quan sát và thấy được quy luật vận động của tâm lý.

Tâm vương có 89 tâm chia làm 4 loại:

  1. Dục giới tâm: là tâm lý thông thường đủ thất tình lục dục.
  2. Sắc giới tâm và
  3. Vô sắc giới tâm: là tâm của thiền định.
  4. Siêu thế giới tâm : là tâm của bậc giác ngộ an trú Niết bàn.

Về tính chất tâm vương có 4 lãnh vực:

  1. Tâm thiện.
  2. Bất thiện tâm.
  3. Dị thục tâm.
  4. Duy tác tâm.

(Dị thục tâm là tâm kết quả, có sẵn do đời trước đưa đến và mặc định như thế. Duy tác là tâm không đưa đến kết quả gì đó là tâm của bậc thánh).

Tâm sở có 52 tâm chia làm 4 nhóm:

  1. Tâm sở biền hành có 7: là những tâm lý có mặt khắp mọi hoạt động của tâm.
  2. Tâm sở biệt cảnh có 6: là những tâm lý chỉ có mặt theo từng đối tượng tương ứng.
  3. Tâm sở bất thiện có 14: là những tâm lý ô nhiễm rối loạn và tạo khổ đau.
  4. Tâm sở thiện có 25: là những tâm lý tốt đẹp phù hợp với an lạc và giải thoát.

Niết bàn là những pháp không mang tính vô thường và đau khổ, là pháp không tuỳ thuộc vào các điều kiện. Tự tính an tịnh, vắng lặng. Có 2 loại:

  1. Hữu dư y Niết bàn: Là Niết bàn khi còn thể xác.
  2. Vô dư y Niết bàn: là Niết bàn khi đã viên tịch, thể xác không còn.

II. CÂU XÁ LUẬN: (Abhidharma – Kosa)

Câu xá luận do Ngài Thế Thân (Vasubhandhu) soạn vào đầu thế kỷ thứ 5, khá trễ so với Thắng pháp. Câu xá luận là bộ luận đúc kết tư tưởng của các luận thư thuộc bộ phái Nhất thiết hữu bộ, một bộ phái có ảnh hưởng lớn đối với nền văn học Phật giáo.

Dựa trên giáo lý Tứ Đế, năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, Câu xá luận thiết lập hệ thống luận lý cuả mình: “Ngã không pháp hữu”.

Các pháp được phân biệt theo Câu xá luận thành 5 lãnh vực: Sắc pháp, tâm vương, tâm sở, tâm bất tương ưng và vô vi pháp.

  1. Sắc pháp có 11: gồm 5 giác quan, 5 đối tượng của giác quan, và vô biểu sắc.
  2. Tâm vương: là khả năng nhận thức, chỉ có một (bao gồm cả 6 thức).
  3. Tâm sở: các hiện tượng tâm lý gồm 46 pháp.
  4. Tâm bất tương ưng hành có 14: là những pháp tạo tác từ sắc và tâm.
  5. Vô vi pháp có 3: là những pháp không có điều kiện, gồm Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, và Hư không vô vi.

Như vậy nói vắn tắc các pháp có 2: Một là hữu vi. Hai là vô vi. Năm uẩn bao hàm hết 72 pháp hữu vi: Sắc 11, Thọ 1, Tưởng 1, Hành 58, Thức 1 (tâm vương).

Về mặt tính chất cũng phân chia tâm lý theo các lãnh vực khác nhau:

  1. Đại địa pháp có 10: tương đương với biến hành tâm sở.
  2. Đại thiện địa pháp có 10: tức là các tâm lý tốt đẹp, hiền thiện.
  3. Đại phiền não có 6: tương đương với các căn bản phiền não trong Duy thức và bất thiện tâm sở của Thắng pháp.
  4. Đại bất thiện có 2: tâm lý bất thiện phổ biến như vô tàm, vô quý.
  5. Tiểu phiền não có 10: tương đương với Tuỳ phiền não.
  6. Bất định pháp có 8: là những tâm lý không định rõ là thiện hay ác.

III. DUY THỨC HỌC:

Hệ thống Duy thức thuộc Đại thừa, nhưng do Ngài Thế Thân phát triển và hoàn chỉnh nên phân tích tâm lý vẫn dựa trên cơ sở Câu xá luận, chỉ có sự khác biệt là sáng tạo thêm 2 thức là thức thứ 7 (Mạt na) và thức thứ 8 (A lại da). Duy thức coi thức A lại da là thức căn bản.

Các pháp được phân thành 5 lãnh vực giống như Câu xá, gồm có:

  1. Sắc pháp có 11.
  2. Tâm vương có 8.
  3. Tâm sở có 51.
  4. Tâm bật tương ưng hành có 24.
  5. Vô vi pháp có 6.

Tính chất khác nhau của hiện tượng tâm lý được chia ra 5 nhóm:

  1. Biến hành có 5.
  2. Biệt cảnh có 5.
  3. Thiện tâm có 11.
  4. Căn bản bất thiện có 6.
  5. Tuỳ phiền não có 20.
  6. Bất định có 4.

So sánh với Thắng pháp và Câu xá, Duy thức có những điểm tương đồng và dị biệt như sau:

* Tâm vương: Duy thức có 8, Câu xá có 1 (bao gồm 6 thức) Thắng pháp có 89 (hay 121) Câu xá cho là một vì nhìn về tâm vương một cách tổng quát, còn Thắng pháp thì nhìn một cách chi tiết. Riêng đối với Duy thức tăng thêm 2 tâm vương Mạt na và A lại da, bởi lẽ;

1. Mạt na:

Ý thức hoạt động mặt nổi với các đối tượng bên ngoài hay bên trong, và có lúc Ý thức không hoạt động như trường hợp ngũ say, chết giấc. Vậy phải có thức tồn tại liên tục làm nền tảng cho Ý thức hoạt động khi đủ điều kiện (như thức dậy). Thứ đến thức làm nền tảng ấy phải có những tính chất gần gũi với Ý thức và ít nhất cũng phải có những dấu hiệu để nói lên sự có mặt của nó.

Thức Mạt na sẽ giải quyết 2 vấn đề trên. Đối với vấn đề làm chổ dựa cho Ý thức thì Mạt na còn có cái tên khác là Ý? (căn cứ của ý thức), Từ ngữ Ý là dịch từ Manar mà ra. Luận Câu xá đã giải quyết vấn đề chổ dựa của Ý thức là Ý căn, gọi Ý căn là tâm vương. Ý căn không chỉ là chổ dựa của Ý thức mà còn là chổ dựa của 5 thức cảm giác (nhãn thức …) Ý căn có 2 khả năng: Một là làm nối tiếp sinh mạng. Hai là tự tại vận hành dẫn dắt chúng sinh đi vào lục đạo. Khái niệm về ý căn là phát triển rộng hơn từ khái niệm Hữu phần thức (Bhavanga) của Thắng pháp, đến Duy thức thì Ý căn được chuyển mình thêm một bước thành Mạt na, nó mang thêm chức năng mới, đó là năng lực chấp ngã.

Chấp ngã hay là bản năng tự vệ nằm sâu trong tiềm thức của con người nhưng nó cũng biểu hiện rõ nơi các hiện tượng tâm lý: Tính cố chấp, ngã mạn, bảo thủ, vướng mắc… chấp ngã là dấu hiệu của thức Mạt na, và chấp ngã là cái tồn tại liên tục và tức thời.

2. A lại da:

Nếu Ý thức là hoạt động tâm lý mặt nổi và Mạt na là căn cứ của ý thức với tính chất chấp ngã. Vậy có cái ngã nào cho Mạt na chấp thủ và có cái gì lưu trữ toàn bộ hoạt động của thân, khẩu, ý và sự vận động của nhân quả, nghiệp báo như thế nào? Thức A lại da là một năng lực bảo tồn tất cả mọi năng lực của sự tồn tại. A lại da là thức tổng thể và rất khó nhận thức. Thành lập thức thứ 8 Duy thức mở ra được lối thoát cho hệ thống tâm lý học Phật giáo.

– Vấn đề Niết bàn – vô vi:

Thắng pháp đưa ra 2 pháp Niết bàn là Hữu dư y Niết bàn và Vô dư y Niết bàn. Câu xá luận thì chia thành 3 pháp vô vi: Hư không vô vi, Trạch diệt vô vi, và Phi trạch diệt vô vi.

  1. Hư không vô vi: Hư không, gọi là vô ngại, tính không chướng ngại vật khác và không có vật nào chướng ngại mình, hư không vô vi là thể tánh của mọi vật phi nhân duyên.
  2. Trạch diệt vô vi: Trí tuệ giản trạch đoạn trừ lậu hoặc thành tựu Niết bàn. Niết bàn ấy phi nhân duyên.
  3. Phi trạch diệt vô vi: các pháp không đủ duyên nên không tồn tại, không tồn tại nên không huỷ diệt. Nó không được trí tuệ giản trạch nên gọi là phi trạch diệt.

Như vậy Câu xá đưa vào hư không và phi trạch diệt, còn trạch diệt vô vi tương đương với Niết bàn.

Duy thức tăng thêm 3 pháp vô vi là: Bất động diệt vô vi, là trạng thái bất động của thiền thứ tư. Thọ tưởng diệt vô vi, là định diệt thọ tưởng của vị A La Hán, và chân như vô vi là pháp chân thật, là Niết bàn.

Tuỳ theo quan điểm mà pháp vô vi tăng hay giảm nhưng điều chung nhất đều coi Niết bàn là pháp vô vi.
Các sự khác biệt không phải là đối kháng, ngoài ra Sắc pháp và Tâm sở không khác nhau mấy, phần lớn là tương đồng.

Thích Viên Giác