Đạo Phật là đạo giải thoát khổ đau cho nhân loại, vì vậy đường lối của đạo Phật được xây dựng trên nền tảng của sự giác ngộ chân lý. Khả năng giác ngộ ở trong mỗi con người, như Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.
Vậy khả năng giác ngộ không chỉ dành cho người già hay người giỏi. Sự giác ngộ vĩ đại dưới cội bồ đề của Đức Phật chỉ là sự viên mãn của tâm thức giác ngộ, mà thái tử Tất Đạt Đa đã khai mở từ thời niên thiếu (7 tuổi). Từ khi xuất gia và cho đến lúc thành đạo, Đức Phật vẫn còn rất trẻ đến nỗi các giáo chủ, trí thức đương thời phải hoài nghi rằng: “Ngài còn quá trẻ làm sao giác ngộ được?”. Phật dạy: “Giác ngộ không nằm ở tuổi tác mà ở sự tinh cần tu tập” (Kinh Trung Bộ).
Đệ tử của Ngài, ngoài năm anh em Kiều Trần Như là những người cao tuổi và có mối quan hệ đặc biệt với Đức Phật, thì người thanh niên đầu tiên được Đức Phật hóa độ là chàng thanh niên giàu có Yasa. Đức Phật đã dạy cho Yasa đạo lý: “Đời có những mặt khổ đau và cũng có những mặt mầu nhiệm. Dục lạc lôi cuốn thì đau khổ, không bị dục lạc lôi cuốn thì thân tâm an ổn và tiếp nhận được thế giới chân thực chứ không phải ảo ảnh như thế giới của dục lạc. Khổ đau không phải là bản chất của đời sống, khổ đau là do thái độ sống và cách nhìn sai lạc về cuộc đời”. Yasa cảm động xin xuất gia, những người bạn thân của Yasa nghe Yasa đi tu họ cũng xuất gia, đều là những chàng trai trẻ tuổi từ 20 đến 30, khoảng 54 vị. Như vậy, 60 người là con số giáo đoàn đầu tiên ở vườn Lộc Uyển, gồm 55 người là trẻ tuổi (ảnh). Những vị Tỳ kheo ấy, bắt đầu chuyển bánh xe Pháp, với sức khỏe và nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã thành công trong việc mở rộng ánh đạo Trí tuệ và Từ bi.
Như vậy, chúng ta thấy: Sự giác ngộ nhanh chóng, mạnh mẽ phải ở thanh niên. Sự hoạt động truyền giáo mạnh mẽ và hiệu quả cũng phải ở nơi tuổi trẻ. Và giáo lý Phật dạy rất phù hợp với tuổi trẻ. Tuổi trẻ có thể thực hành giáo lý của Phật để xây dựng bản thân, gia đình và xã hội.
Thanh niên thiếu nữ thời hiện đại đang rất yếu về mặt tinh thần, tâm lý dễ bị kích động: dễ buồn, dễ vui, nông nổi, dễ bị sa ngã cám dỗ. Xã hội thì có quá nhiều ô nhiễm không hạn chế được. Làm sao bây giờ? Luật pháp ư? Giáo dục ư? Hiệu quả rất tương đối. Chỉ có cách là tạo sức đề kháng ở trong tâm thức của người trẻ tuổi để họ đứng vững trước sự tấn công của dục vọng. Chúng tôi nhận thấy rằng: Thanh niên Phật tử có lý tưởng, có huấn luyện thì có khả năng kiểm soát, tự chủ cao hơn thanh niên không có lý tưởng.
Thế hệ trẻ hôm nay đang đi tìm chỗ đứng cho chính mình trong sự tấn công của các nền văn hóa khác biệt, các cám dỗ tha hóa ngày càng hấp dẫn, sự kích thích bản năng ngày càng mạnh và tinh vi. Đồng thời, sự tự khẳng định mình là một mục tiêu mà rất đông bạn trẻ thời đại hướng đến. Coi đó như là ưu thế của tuổi trẻ. Nhưng tự khẳng định theo hướng nào? Có người đi ăn chơi bừa bãi để tự khẳng định mình, hút thuốc uống rượu, hành động bạo lực… cũng để tự khẳng định mình. Thật sự là một mối nguy cho các bậc làm cha mẹ và những nhà xây dựng xã hội.
Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay ở giới trẻ là bạo lực học đường, trước nay nạn bạo lực chỉ ở nơi tầng lớp thanh niên ít học, thành phần lao động, hoặc những thành phần tha hóa khác… nhưng ngày nay bạo lực đã đi vào nơi “trồng người”, biểu hiện ở những con người được coi là hiền lành, thông minh. Một vị giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu: “Bạo lực học đường nổi lên như một vấn nạn mới của giáo dục Việt Nam khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên báo chí nhằm ngăn chặn sự lan tràn của hiện tượng này” (báo Thanh niên online). Thông thường chúng ta quy trách nhiệm cho gia đình, nhà trường với luận điểm: các em còn nhỏ, tuổi còn trẻ chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm. Vấn đề tính cách của cá nhân ít người quan tâm đến; tính cách thì được hình thành bởi sự giáo dục của cả xã hội. Một xã hội mà giá trị vật chất được tôn vinh, sự giả dối được coi là sự thành công… thì nhân cách của con người đã bị lệch lạc vì bị các giá trị phổ biến của xã hội ảnh hưởng. Những giá trị đạo đức được dạy bởi gia đình và học đường sẽ bị vô hiệu hóa vì những giá trị ấy không có ý nghĩa mấy trong vận động của xã hội.
Tuổi trẻ hư hỏng, thiếu phẩm chất là một vấn nạn cho tương lai của đất nước. Hành vi bạo lực, ăn chơi sa đọa, thích hưởng thụ và lười biếng ngày càng phổ biến đó là những điều ưu tư của mọi người.
Đạo Phật cần phải làm gì để giúp giải quyết các vấn nạn này?
Đạo Phật luôn chú trọng giáo hóa con người trẻ tuổi. Vì con đường thực nghiệm tâm linh luôn có sự nhiệt tình, nhạy bén và ý chí mạnh mẽ. Tuổi trẻ có thể đáp ứng các yêu cầu ấy. Vấn đề là cần có chính sách vĩ mô, qua đó tổ chức tập hợp thanh niên Phật tử ở cơ sở; xây dựng chương trình giáo dục thích hợp với tâm lý và nhu cầu của thanh niên.
Chương trình giáo dục thanh niên Phật tử cần định hướng mục đích: tạo môi trường, điều kiện cho thanh thiếu niên Phật tử tu dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức về bản chất và giá trị của đời sống, rèn luyện bản thân để có khả năng xây dựng đời sống hạnh phúc, thông qua lý tưởng của một người Phật tử trên cơ sở bốn phạm trù mà Phật dạy cho người Phật tử trong kinh Tăng Chi:
- Xây dựng lý tưởng hướng thượng, củng cố niềm tin vào giá trị đạo đức, giải thoát qua nhân cách của Phật, Phật pháp và cộng đồng Tăng chúng.
- Thiết lập nguyên tắc sống với năm giới, mười giới. Qua đó, giáo dục ứng xử chuẩn mực nơi hành vi và ngôn ngữ, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần, tâm lý đạo đức.
- Xây dựng các mối quan hệ hài hòa như quan hệ giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, thầy tổ, chủ tớ, tập thể, xã hội, quốc gia, nhân loại, thiên nhiên… nói chung là để có khả năng sống hài hòa với con người và thế giới chung quanh.
- Phát triển trí tuệ, khả năng tự tri để vượt qua chi phối bản năng: tham, sân, lười biếng, manh động, hoài nghi. Thiết lập một tâm hồn ổn định, trầm tỉnh, tự chủ và sáng suốt (Kinh Tăng Chi, chương 4 pháp).
Để hiện thực hóa những phạm trù trên, chúng ta cần có những nghiên cứu hoặc những điều tra xã hội học về thực trạng của thanh niên và những nhu cầu của thanh niên thời đại. Chúng ta không thể áp đặt những chuẩn mực đạo đức truyền thống một cách máy móc hoặc duy ý chí. Chúng ta chỉ thành công khi nào chúng ta có thể cống hiến những gì mà thanh niên đang cần chứ không phải những gì chúng ta đã có.
Vậy, thanh niên cần gì?
Điều trước tiên, thanh niên cần là một môi trường sống vui tươi và lành mạnh. Xây dựng môi trường (hay còn gọi là sân chơi) cho thanh thiếu niên là điều quan trọng bậc nhất. Ngoài xã hội có quá nhiều sân chơi cho thanh thiếu niên, vì đây là đối tượng có số lượng đông đảo, dễ dãi và nhiều thị hiếu. Những sân chơi thiếu lành mạnh dễ hấp dẫn thanh niên và làm suy thoái nhân cách của thanh niên. Môi trường ở trong một ngôi chùa thì luôn lành mạnh cộng với bạn hữu hiền lành, với người thầy mẫu mực, sẽ là môi trường sinh hoạt tốt cho thanh niên.
Điều thứ hai, thanh niên cần được trang bị ba lãnh vực: Tri thức, kỹ năng và thái độ ứng xử, trong đó nhấn mạnh huấn luyện những kỹ năng sống như kỹ năng kiểm soát bản thân, kiểm soát tâm lý, kỹ năng ứng xử hài hòa, kỹ năng tập luyện sức khỏe. Đây là những kỹ năng mà đạo Phật có nhiều ưu thế. Ví dụ như giáo dục kỹ năng thiền định, một trong những kỹ năng được coi là giải pháp nâng cao chất lượng sống cho con người thời đại, vốn đối mặt quá nhiều căng thẳng và áp lực trong công việc, học tập và trong cảm xúc. Tập luyện khí công, yoga… cũng là điều làm cho thanh niên thích thú và hiệu quả rất cao cho sức khỏe.
Điều thứ ba, cần xây dựng một chương trình sinh hoạt linh động để hấp dẫn thanh niên, cân bằng các lãnh vực: Đạo lý, thực tập, giao lưu, giải trí, âm nhạc… Nói chung, một chương trình hấp dẫn thanh niên đòi hỏi phải phù hợp với tâm sinh lý thanh niên, phù hợp với những ước mơ cao đẹp của tuổi trẻ; những phương thức rèn luyện cần phải thực tiễn để khi một thanh niên đến với một ngôi chùa sẽ có cảm hứng, nhận được những ích lợi mà không nơi nào có được.
Quả thực, rất khó cho những ngôi chùa bình thường phải gánh thêm gánh nặng giáo dục thanh thiếu niên, nhưng với một tổ chức của Giáo hội ở cấp cơ sở thì không phải là không khả thi. Chúng ta đã có kinh nghiệm qua những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như tổ chức GĐPT, CLB TNPT, các đạo tràng cũng thường quy tụ thanh thiếu niên tu học định kỳ… Vấn đề là, đề ra chính sách thích hợp tạo hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ nhân sự có khả năng và một kế hoạch hoạt động ngắn và dài hạn thật hợp lý, như vậy sẽ có kết quả tốt đẹp về lãnh vực hoằng pháp cho thanh thiếu niên, sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng xã hội an lạc và văn minh.
Tương lai của đất nước nói chung, của đạo pháp nói riêng đều ở nơi thế hệ thanh niên. Hãy quan tâm giáo dục để thanh niên có phẩm chất tốt, có lý tưởng sống đẹp, có ý thức về giá trị văn hóa truyền thống và có khả năng xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc. Hãy giúp cho thanh niên thấy được giá trị của chính mình và cống hiến giá trị ấy cho đời. Đó là cách làm cho nguyên khí của quốc gia hưng thịnh. Chúng tôi nghĩ rằng, đó cũng là một cách làm có ý nghĩa “Hộ quốc an dân”.