Site icon Chùa Từ Tân

Xây Dựng Đạo Tràng

Bát quan trai giới mà các Phật tử ngày nay thọ trì, khởi nguyên do Đức Phật giảng dạy cho nữ cư sĩ Visàkhà. Nội dung Bát quan trai được ghi chép lại trong kinh Trì Trai (A Hàm IV). Từ bài kinh này ta nhận thấy rằng: Bát quan trai giới đã được Đức Phật thuyết lần đầu cho Visàkhà tại Đông Viên Trùng Các, vào dịp an cư mùa mưa. Visàkhà thường đến tịnh xá để hầu thăm Đức Phật vào những ngày trăng tròn. Nàng phát nguyện trì trai trọn ngày. Nhân đó, Đức Phật dạy cho Visàkhà về phương pháp trì trai chân chính gọi là Tám chi Thánh trai.

Đạo Tràng Tu Bát Quan Trai Chùa Từ Tân

Trong nội dung tám giới Bát quan trai, năm giới đầu tương tự năm giới của người cư sĩ mà Đức Phật đã dạy cho Cấp Cô Độc, trừ giới thứ ba là không dâm dục, những giới còn lại là không nằm giường cao rộng lớn, xa lìa trang sức, ca vũ nhạc và không ăn phi thời. Ba giới sau tương đương với giới của Sa di (giới của người xuất gia). Mục đích của Bát quan trai là tạo cơ hội cho hàng ngũ cư sĩ có điều kiện tu tập giải thoát, nâng cao đời sống tâm linh và trí tuệ, ít nhất là thực tập hạnh xuất gia. Trong kinh Trì Trai, Đức Phật coi Tám Thánh trai này tương đương với phẩm hạnh của một vị A La Hán: “Này nữ cư sĩ, Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai tư duy như vầy. A la hán cận nhân trọn đời xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, tu hành phạm hạnh, chí tâm thanh tịnh, sống không xú uế, ly dục, đoạn dâm. Đối với phi phạm hạnh, nay tôi tịnh trừ tâm ấy”. Ta coi chi này như của A la hán ngang nhau không khác, do đó gọi là Trai (kinh Trì Trai tương đương kinh Tăng Chi III, phẩm Ngày trai giới).

Từ đó, pháp môn thọ Bát quan trai trở thành con đường tu  tập đạo giải thoát của người Phật Tử tại gia. Truyền thống tổ chức đạo tràng Bát quan trai trở thành một mô hình tu học phổ biến nơi chốn già lam, được coi là một trong những phương thức hoằng pháp hữu hiệu của đạo Phật.

ĐẶC ĐIỂM PHÁP MÔN TU BÁT QUAN TRAI

  1. Con đường tu tập của người Phật tử xuất gia hay tại gia đều hướng đến mục đích chung là giải thoát sinh tử khổ đau. Đối với người tại gia, vì hoàn cảnh ràng buộc của đời sống thế tục nên mục tiêu giải thoát rất khó đạt được. Để tạo cơ hội cho người Phật tử tại gia thực hiện lộ trình giải thoát, Đức Phật thiết lập pháp môn tu Bát quan trai. Tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, Bát quan trai giới là cơ hội thực tập pháp xuất gia làm nhân tố xuất thế trong tương lai.
  2. Tu Bát quan trai dù người Phật tử tại gia có bận rộn cách mấy vẫn có thể thực hành, ít nhất cũng duy trì tâm hướng đến giác ngộ và lý tưởng giải thoát trong đời sống hàng ngày, họ luôn nuôi dưỡng ước vọng hoàn thiện bản thân.
  3. Thực tập Bát quan trai giúp làm chủ bản thân, khai thác khả năng phòng hộ qua thực tập kiểm soát các giác quan, làm chủ các hoạt động tâm lý để không rơi vào thái độ phản ứng  tiêu cực đối với con người và hoàn cảnh chung quanh. Đây là một trong những vấn đề cần thiết cho sự cân bằng tâm lý, thăng hoa đời sống con người.
  4. Phương pháp tu tập này có công năng tăng trưởng công đức và trí  tuệ, tạo được khả năng tự  tại, tuy sống giữa dòng đòi ô nhiễm và hưởng thụ được niềm an vui của pháp giải thoát.
  5. Tu Bát quan trai sẽ là phương thức đào tạo người Phật tử hộ trì Tam Bảo, gần gũi chư Tăng và có trách nhiệm gánh vác Phật sự làm cho Phật Pháp được trường tồn, lợi ích cho con người và xã hội. Sức mạnh của Phật Giáo ở nơi lực lượng Phật tử thuần thành nòng cốt này.
  6. Bát quan trai là con đường tu tập phổ thông cho mọi người Phật tử, ai tu cũng được; tập thể hay cá nhân đều ứng dụng được và trong bất cứ không gian, thời gian nào cũng có thể thực hành.
Đạo Tràng Tu Bát Quan Trai Chùa Từ Tân Trong Giờ Truyền Giới

                             

Ý NGHĨA TU BÁT QUAN TRAI

Bát quan trai là tám giới đề phòng, ngăn ngừa những việc xấu ác và ô nhiễm nhằm thanh tịnh hóa tam nghiệp của người Phật tử:

Bát quan trai còn gọi là Cận trụ luật nghi hay Trưởng dưỡng luật nghi. Do sống gần với Tam Bảo, an trụ trong đạo tràng tu tập, huân tập Phật Pháp gần giống với người xuất gia nên gọi là Cận trụ luật nghi. Người thọ Bát quan trai còn gọi là Cận trụ luật nghi hay Trưởng dưỡng luật nghi. Do sống gần với Tam Bảo, an trụ trong đạo tràng tu tập, huân tập Phật Pháp gần giống với người xuất gia nên gọi là Cận trụ luật nghi. Người thọ Bát quan trai giới thiện căn ban đầu ít và cạn, dần dần nhiều và sâu nên gọi là Trưởng dưỡng luật nghi. Ngoài ra Bát quan trai giới còn có ý nghĩa cao hơn nữa là Cận A la hán trụ tức là thực hành con đường gần với quả vị A la hán.

Hàng cư sĩ tại gia thọ Bát quan trai giới được gọi là Tịnh hạnh Ưu bà tắc, Tịnh hạnh Ưu bà di. Những Phật tử thọ Tam quy, Ngũ giới tì chỉ gọi là Ưu bà tắc, Ưu bà di. Tịnh hạnh trong ý nghĩa gần nhất là không sinh hoạt vợ chồng; trong ý nghĩa rộng thì tâm thức được kiểm soát và tịch tĩnh.

Như vậy, một người Phật tử phát  nguyện thọ trì Bát quan trai giới là người có tâm đạo sâu sắc, có một đời sống tâm linh thanh tịnh và khả năng phụng sự đạo rất lớn.

NỘI DUNG BÁT QUAN  TRAI

Tu Bát quan trai ngoài tám giới là những điều không được làm, để giữ cho thân tâm không vướng vào ác nghiệp và những điều kiện đưa đến ác nghiệp, trong thời gian một ngày và một đêm. Để luôn giữ được giới và duy trì năng lực giữ giới trên mặt phẳng của tâm thức, Đức Phật dạy cần phải tu tập quán niệm, thường gọi là Lục niệm: Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí, Niệm Thiên.

  1. Niệm Phật: Tưởng nhớ đến công đức siêu việt của Đức Phật, căn bản là tuệ giác siêu việt và tâm từ bi vô hạn của một Bậc Giác ngộ, không ai có thể hơn được. Nhờ niệm Phật mà trí tuệ của hành giả được khai mở.
  2. Niệm Pháp: Tưởng nhớ đến lời Phật dạy, đó là chân lý  thực nghiệm thực chứng chứ không phải ức đoán, trừu tường hay mặc khải từ Thượng đế. Giáo pháp của Phật là chân lý khách quan. Giác ngộ chân lý đó là thành Phật.
  3. Niệm Tăng: Nghĩ tưởng đến chư Tăng là cộng đồng xuất gia đệ tử Phật tu hành thanh tịnh để có thể nương tựa học hỏi, lễ bái, cúng dường.
  4. Niệm Giới: Nghĩ đến và an trụ tâm vào những nguyên tắc hành trì, giữ gìn các giác quan từ thô đến tế, không vướng mắc vào những lỗi lầm.
  5. Niệm Thí: Nghĩ đến những kẻ cùng khổ và nỗi khổ của con người và vạn loại chúng sinh. Nghĩ đến sự cứu giúp, chia sẻ và giáo hóa, tạo điều kiện cho chúng sinh thoát khổ.
  6. Niệm Thiên: Nghĩ về công đức của cõi Trời, cõi Trời là cõi hạnh phúc so với sáu cõi, nhờ công đức thực hành mười điều thiện cũng là nền tảng cho lộ trình giải thoát. Nếu chưa giải thoát thì cũng được hưởng phước báo cõi Trời.

Trong kinh A Hàm nói về Lục niệm, pháp môn chủ yếu áp dụng cho Phật tử tại gia: “Đó là vì trí tuệ của người tại gia yếu đuối, không thể dùng lý trí chế ngự tình cảm, bị các cảnh sinh tử biệt ly, cô quạnh, lạnh lẽo não loạn, cho nên dạy họ niệm công đức trì giới và bố thí, niệm sinh Thiên để được an lạc”. Cụ thể hóa nội dung thực hành Lục niệm, các khóa tu Bát quan trai thường thiết lập chương trình tu học như: Thọ giới, tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, nghe pháp, ngồi thiền… Một ngày một đêm khép kín thời gian và không gian giúp người Phật tử có điều kiện thuận lợi cho công phu tu tập giải thoát.

THỰC TRẠNG TU BÁT QUAN TRAI HIỆN NAY

Truyền thống tu Bát quan trai được duy trì từ xưa cho đến nay. Nội dung vẫn giữ hầu hết những nguyên tắc căn bản. Tuy nhiên về mặt tác dụng chuyển hóa tâm thức hay sự hứng khởi đối với pháp môn có phần giảm sút vì nhiều lý do:

  1. Ngôi chùa thời hiện đại (ở thành phố), vừa hẹp vừa ồn ào do cuộc sống đô thị. Đồng thời các hoạt động Phật sự của một ngôi chùa rất đa dạng, chồng chéo lẫn nhau, khó có không gian và thời gian trọn vẹn cho đạo tràng, nên hiệu quả thấp.
  2. Người hướng dẫn tu Bát quan trai không có chuyên môn sâu và không ý thức về tầm quan trọng của đối tượng tu tập, nên sự hướng dẫn mang tính hình thức, chiếu lệ. Ví dụ hướng dẫn tụng kinh, vị thầy không nâng lên thành một thời khóa tu tập mà chỉ bình thường đáp ứng nhu cầu  tín ngưỡng, cầu nguyện mà thôi.
  3. Bản thân của người tham dự tu Bát quan trai phần lớn là những người già yếu, không qua lộ trình tu tập khép kín, chuyên sâu nên không đáp ứng được nhu cầu và chương trình của Bát quan trai.
  4. Mỗi ngôi chùa, mỗi đạo tràng sinh hoạt độc lập nên tùy thuộc rất nhiều vào khả năng tâm huyết của vị trụ trì, thiếu vắng sự quan tâm của Giáo Hội, nhất là các ban chuyên ngành. Do vậy, pháp môn tu Bát quan trai tự thân vận động thăng trầm tùy lúc, tùy nơi.

Với những hạn chế như vậy, các đạo tràng tu Bát quan trai bị thiếu sinh lực, sinh hoạt của đạo tràng, phần lớn chỉ có tác dụng  duy trì, còn định hướng phát triển thì rất khó. Hơn nữa, đạo tràng Bát quan trai chỉ dành cho một số đối tượng già yếu (phần lớn là các cụ bà) không trở thành pháp môn cho mọi người Phật tử (thanh thiếu niên chẳng hạn…) như mục tiêu đề ra của pháp môn. Pháp môn đã bị bão hòa, nhàm chán, sức hấp dẫn không cao nữa. Để khắc phục, các thầy buộc phải biến thể pháp môn hoặc thay thế pháp môn, như chương trình tu Bát quan trai trở thành pháp môn Tịnh độ, hay đan xen các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, từ thiện xã hội, hoặc chú trọng hình thức như đổi mới y phục, đeo mang phù hiệu, huy hiệu, tổ chức khen thưởng… để duy trì và thu hút Phật tử tham dự.

Đạo Tràng Bát Quan Trai Giờ Thiền Hành

ĐỊNH HƯỚNG CHO PHÁP MÔN BÁT QUAN TRAI

Như đã nói đạo tràng Bát quan trai có đặc điểm chính là đào tạo những người Phật tử hiểu đạo, trung kiên, nòng cốt, sống gần gũi chùa chiền, chư Tăng để xây dựng và hộ trì Tam Bảo. Đạo  tràng Bát quan trai là lực lượng hoằng pháp chính thống, nói lên tác dụng và sức sống của Phật Giáo đồng thời pháp môn tu Bát quan trai là phương thức hữu hiệu triệu tập quần chúng Phật tử hiệu quả nhất của Phật giáo. Một ngôi chùa không có đạo tràng tu tập thì vô phương phát triển, đạo Phật sẽ dừng lại ở vai trò đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà thôi.

Để đạt được mục tiêu tu tập giải thoát của pháp môn Bát quan trai, đồng thời tạo sinh lực cho pháp môn trong thời hiện đại, chúng ta cần phải:

  1. Giáo hội cần quan tâm đến việc tổ chức đạo tràng tu Bát quan trai, bằng cách thành lập Ban Nghiên Cứu chương trình tu Bát quan trai. Chư tôn túc giáo phẩm cần có mối quan hệ với các đạo tràng để khích lệ và giúp đỡ cho các đạo tràng Bát quan trai phát triển.
  2. Làm mới chương trình và nội dung tu Bát quan trai trên cơ sở truyền thống, bằng cách đào tạo nhân sự chuyên trách hướng dẫn đạo tràng tu Bát quan trai về cả hai mặt, lý thuyết và thực hành, cần chú trọng yếu tố thực tập.
  3. Đưa vào nội dung tu tập những chương trình có tác dụng lợi ích thực tiễn để tạo sự quan tâm và thu hút mọi tầng lớp quần chúng Phật tử. Ví dụ: Đạo tràng Bát quan trai chùa Từ Tân đã đưa vào thời khóa tu tập chương trình tập luyện dưỡng sinh tâm pháp và tập khí công dưỡng sinh, có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe và nâng cao khả năng chánh niệm tỉnh giác. Mô hình này thu hút sự quan tâm của con người hiện đại. Chúng tôi thường gọi là Thiền động.
  4. Tạo mối quan hệ, giao lưu giữa các đạo tràng trong quận, trong thành phố và kể cả giữa các tỉnh với nhau (nếu có điều kiện), nối kết tình huynh đệ, tạo sinh khí mới, hứng thú mới đồng thời tạo cơ hội chi sẻ, trao đổi kinh nghiệm tu tập pháp môn Bát quan trai.

Chúng ta tin rằng với truyền thống đặc biệt và tốt đẹp của pháp môn Bát quan trai, với trình độ và kinh nghiệm của Chư tôn đức giáo phẩm về hướng dẫn tu tập Bát quan trai, với nhu cầu tu học và khát vọng giải thoát của người Phật tử tại gia trong thời hiện đại, cộng thêm sự quan tâm của Giáo Hội về chương trình và nội dung tu tập, các đạo tràng tu Bát quan trai  trong tương lai sẽ là mô hình mẫu cho đường lối tu tập trong các tự viện. Phật tử tham dự khóa tu sẽ là lực lượng chính trong việc hộ trì Tam Bảo và hoằng truyền Chánh Pháp Phật Đà một cách hữu hiệu.

Thích Viên Giác

Exit mobile version