Site icon Chùa Từ Tân

Vai trò hoằng pháp của người trụ trì trong thời hiện đại

Vị trụ trì là một hàng giáo phẩm quan trọng bậc nhất trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người xã hội. Sự thịnh suy của ngôi chùa chính là sự thịnh suy của đạo Phật tại địa phương ấy và góp phần vào sự thịnh suy chung của Phật giáo Việt Nam.

Vai trò người Trụ trì trở thành trung tâm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật pháp vào xã hội. Ngôi chùa cần được coi như là một cơ quan truyền bá Phật pháp chứ không phải chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng như người ta thường nghĩ . Vị Trụ trì có nhiều ưu thế vì họ hoàn toàn chủ động trong sứ mệnh hoằng pháp.

Thời Khóa Thiền Tọa Thiền Hành tại Chùa Từ Tân Dưới Sự Hướng Dẫn Của TT . Thích Viên Giác

Một ngôi chùa có vị trụ trì giỏi là niềm hạnh phúc cho tín đồ và tăng cường sức mạnh cho Giáo hội. Người xưa, khi nói đến vai trò người trụ trì, cho rằng: Trụ trì có 3 điều đừng nên làm: Việc nhiều đừng sợ, không có việc đừng bày việc ra, đừng nói chuyện thị phi (Trụ trì hửu tam mạc: Sự phồn mạc cụ, vô sự mạc tầm, thị phi mạc biện,) (Minh tâm bửu giám), coi đó như khuôn vàng thước ngọc.

Ngày nay, mọi chuyện không đơn giản như vậy, con người thời đại đòi hỏi nhiều hơn, người trụ trì cần năng động và đa diện hơn, phải sáng tạo nhiều mô hình sinh hoạt, phải giải quyết nhiều chuyện thị phi.

Sau khi đất nước mở cửa giao lưu với thế giới, đỉnh cao là thời điểm gia nhập WTO, tức tổ chức thương mại thế giới, xã hội Việt Nam không còn bị cô lập và sống riêng được nữa. Kinh tế phát triển, văn hóa xã hội đa dạng…chúng ta không thể bảo thủ nền kinh tế, chính trị, văn hóa độc lập được. Chúng ta phải tiếp nhận những truyền thống văn hóa của kẻ khác dù muốn hay không. Mọi giá trị văn hóa của chúng ta đang bị thách thức, thậm chí một số lãnh vực bị đánh bật ra khỏi gốc rễ của nó. Đất nước Việt Nam hơm nay đang bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với ba làn sóng: kỹ nghệ hóa, tin học hóa và toàn cầu hóa.

Những tác động tích cực lẫn tiêu cực của sự hội nhập nầy đã quá rõ: Đời sống kinh tế khá hơn, có nhiều điều kiện thuận lợi để hưởng thụ hơn… nhưng xã hội cũng phức tạp hơn, tội phạm tăng hơn, tệ nạn xã hội khó kiểm soát hơn, đạo đức xuống cấp hơn, chất lượng sống không cao…

Những đặc điểm của thời hiện đại bao gồm nhiều mặt như :

Phật giáo trong thời hiện đại phải đối mặt với những thách thức và cơ hội của xã hội hiện đại. Vai trò vị trụ trì trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi lẽ:

Một là, sự chuyển đổi cơ chế Giáo hội sẽ diễn ra rất chậm, và tùy thuộc vào sự thúc đẩy của tình hình thực tiễn là những hoạt động, những yêu cầu của quần chúng Phật tử và đơn vị cơ sở. Ở đây chính là ngôi chùa và vị trụ trì.

Hai là, sự cảm nhận nhu cầu thực tiễn ở nơi vị trụ trì rất cao, do sinh hoạt trực tiếp với người Phật tử và cộng đồng xã hội. Vị trụ trì có quyền hạn tối cao đối với một ngôi chùa. Vì vậy có tính chủ động rất lớn, có thể chuyển đổi cơ chế sinh hoạt rất triệt để và kịp thời.

Vì vậy, Trụ trì cần biết vai trò quan trọng của mình và bối cảnh xã hội, nhu cầu của tín đồ và của sự vận động bánh xe chính pháp thời hiện đại. Theo thống kê, vào năm 1900, tín đồ Đạo Phật trên toàn thế giới ngang bằng với số lượng tín đồ Thiên Chúa Giáo, hơn hẳn tín đồ Hồi giáo. Nhưng nay (khoảng 100 năm sau), tín đồ Phật giáo trên dưới 400 triệu. Trong khi đó Thiên chúa Giáo 2.000.000.000. Hồi Giáo 1.300.000.000. Ấn độ giáo 830.000.000. Phật giáo xuống hàng thứ tư.Thiên Chúa giáo và Tin Lành, Hồi giáo… đều có một đội ngũ truyền giáo hùng mạnh mà không phải là các Linh Mục, Mục sư. Họ là những tín đồ bình thường nhưng được đào tạo chuyên môn để thực hiện vai trò truyền giáo rất hiệu quả. Trong khi đó Phật giáo chỉ đào tạo Tu sĩ mà thôi.

Mặc dù các tôn giáo Thần quyền đều nói đến quyền uy của Thượng Đế và chuyện thờ phụng các Đấng trên trời, nhưng tất cả những hoạt động của họ đều ở dưới đất và nhắm đến những nhu cầu của con người và tâm lý của con người, một cách có hệ thống và khoa học. Vấn đề cạnh tranh, tranh thủ tín đồ của tôn giáo khác là một trong những sách lược quan trọng của các tôn giáo bạn.

Mặt khác, thời hiện đại vấn đề kinh tế và giá trị vật chất chi phối mối quan tâm của con người chiếm gần hết tâm trí của họ. Vì vậy, những giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức, ý nghĩa chân lý… muốn có chỗ đứng trong lòng người cần phải quảng bá, đổi mới và phải có sức hấp dẫn để thu hút tín đồ, chứ không còn theo quan điểm “Hữu xạ tự nhiên hương” nữa, nhất là tầng lớp trẻ.

Người trụ trì cần phải làm gì? Thật khó để trả lời một cách toàn diện, nhưng những điều cần thiết nổi bật thì khá rõ: Người trụ trì cần được trang bị kiến thức chuyên môn về Phật học và phổ thông về thế học, nếu được kiến thức như một học giả thì càng tốt.

Công tác tổ chức quần chúng Phật tử phải được quan tâm hàng đầu. Phật tử có tổ chức sẽ có sức mạnh để cùng thực hiện các Phật sự. Nhờ tổ chức mà tình cảm Thầy trò được gắn bó, đạo hữu thương nhau, có chung một cảm xúc đạo lý và chí hướng giải thoát. Nhất là tập hợp được tín đồ và tăng trưởng số lượng qua công tác tổ chức.

Tóm lại, làm người trụ trì thời hiện đại không đơn giản như thời xưa. Những điều dở, điều sai, trước đây không có ảnh hưởng mấy, nhưng nay thì tác hại vô cùng. Một điều sai lầm sẽ lan tỏa rất nhanh và rất rộng bởi mạng thông tin hiện đại.

Một sự chậm chân, lạc hậu sẽ làm tụt hậu chương trình hoằng pháp rất xa, vì mọi tổ chức đoàn thể xã hội đều luôn tăng tốc, đến nổi đưa ra khẩu hiệu: Đổi mới hay là chết.

Sức mạnh của Đạo Phật ở nơi đạo lý Phật dạy và nơi sự hành trì của người Phật tử. Sức mạnh đó có thể không phát huy nổi nếu không có phương pháp tiếp cận thích hợp, không có tổ chức khoa học và đồng bộ thì vẻ đẹp cũng như tác dụng tích cực của đạo lý ấy không cao. Ngôi chùa phải là một trung tâm văn hóa, giáo dục của Đạo Phật.

Để có được sự ứng biến nhanh nhạy và sinh động, vị trụ trì luôn đặt mình trong tư thế sẳn sàng, trong tinh thần trách nhiệm cao, luôn vì sự nghiệp chung, vì lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của người trưởng tử Như Lai.

Thích Viên Giác

Exit mobile version