PHẬT DẠY NĂM LỢI ÍCH CỦA VIỆC ĐI THIỀN HÀNH:
– Thứ nhất là kham nhẫn: chúng ta sẽ có được sự dẻo dai, chịu đựng được, bền vững được trên lộ trình đi đường dài. Nhờ có thực tập thiền hành mà chúng ta có thể đi đến 50.000 km. Vì ngày xưa đi bộ nhiều, còn bây giờ đi xe nhiều. Cho nên, nếu có cơ hội hãy đi bộ. Khi đã có đi thiền hành rồi thì việc đi bộ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
– Thứ hai là khả năng tinh cần: nghĩa là sự nỗ lực, không làm biếng. Khi chúng ta có năng lực thiền hành thì sẽ đoạn trừ được tính làm biếng nhờ có công lực, công đức đi thiền hành tạo cho chúng ta một nguồn lực sinh động hơn trong cơ thể, trong cảm xúc của mình và chúng ta có thể tìm kiếm được những giá trị khác trên vấn đề đi thiền hành.
– Thứ ba là ít bệnh tật: người nào thường đi thiền hành người đó ít bệnh tật, người nào có bệnh tật thì đi thiền hành cũng dễ lành vì có sức đề kháng mạnh. Cho nên hoạt động đi rất quan trọng.
– Thứ tư là tiêu hóa tốt: người nào siêng năng đi thiền và có cảm hứng, hạnh phúc trong đi thiền hành thường xuyên thì người đó sẽ có bộ máy tiêu hóa tốt. Trong cuộc đời này không có gì tốt hơn là có bộ máy tiêu hóa tốt, nhờ đó chúng ta sẽ có được sức khỏe và niềm vui.
– Thứ năm là cái định chứng được trong khi đi thiền hành tồn tại lâu dài: khi chúng ta đi thiền hành chúng ta có được cái định tâm trong bước chân đi, định tâm an trú trong hành động đi, chúng ta có được cái định sâu và đặc biệt cái định này tồn tại lâu dài. Các loại thiền định khác chỉ có giá trị ít, ví dụ khi chúng ta ngồi thiền 15 phút thì chỉ có giá trị trong 5 phút, vì trong vòng 15 phút đó chỉ có 5 phút là chúng ta có chút tịnh tâm. Còn khi đi thiền hành thì từ khi đi cho tới lúc về tới nơi, khi nào chúng ta cũng có sự tương tác với bước chân của mình và lâu ngày sẽ trở thành nhập tâm và trở thành một thói quen, một kĩ năng đi đặc biệt của người Phật tử, đi đâu cũng thiền hành, đi từ nhà trên xuống nhà dưới hay đi ra ngoài đường mua đồ, chân của mình đi luôn luôn có sự kiểm soát.
Đó là các kết quả tốt đẹp của con đường thiền hành, đó cũng chính là cơ hội, là điều kiện để chúng ta có được khả năng kiểm soát tâm tán loạn của mình, kiểm soát những thứ linh tinh, vẩn vơ trong đầu của mình. Từ đó chúng ta có thể hội tụ được các nguồn lực, năng lượng của bản thân mình, đừng để bị mất đi các nguồn lực ấy vì những việc linh tinh lẻ tẻ. Đó là lợi ích mà đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi – Chương năm Pháp.
(Hòa thượng Thích Viên Giác thuyết giảng cho đạo tràng trong Khóa tu Đời Sống Tĩnh Thức – lần 15 tại Thiền Thất Hương Vân với chủ đề: “Lắng Nghe Cảm Xúc”, ngày 17.04.2022)