Lúc 19h ngày 14 tháng 7 Âm lịch, chùa Từ Tân long trọng tổ chức lễ cài hoa hồng nhân mùa Vu Lan báo hiếu PL 2561 – DL 2017. Xin giới thiệu bài giảng của Hòa Thượng trụ trì và hình ảnh của buổi lễ tại chùa.
LÀM NGƯỜI THÌ PHẢI BIẾT TRI ÂN BÁO ÂN CHA MẸ
Làm người đúng nghĩa và làm người không đúng nghĩa là gì? Đức Phật dạy rằng : – Này các Tỳ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân? Người không phải Chân nhân, là người không biết ơn, không nhớ ơn. Ðối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, là biết ơn, là nhớ ơn. Ðối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, tức là biết ơn, nhớ ơn.
* Có 4 ân nặng trong đời : Cha mẹ, Thầy dạy, Quốc gia xã hội, Ân Tam bảo.(Tứ ân).
Trong đó ân Cha mẹ là quan trọng nhất : Người xưa nói “Hải đức thâm nan báo, sơn công đại mạc thù”, nghĩa là ân đức của mẹ thâm sâu như biển khó mà đền đáp; công ơn của cha lớn như núi cao vời chẳng thể nào đền trả. Không khiêm tốn như nước trong nguồn, không bàng bạc như mây trời lồng lộng. Trong kinh cũng dạy “Cù lao đức trọng, cúc dục ân thâm, thập nguyệt hoài thai tam niên nhũ bộ, thử ân thử đức phấn cốt nan thù ( Nhọc nhằn đức lớn, nuôi dạy ân sâu, mười tháng mang thai, ba năm bú mớm, ân đức này dù nghiền xương nát tủy cũng khó đáp đền)”
* Chín Ân Đức Của Cha Mẹ:
1- Sinh: người Mẹ phải khó nhọc cưu mang hơn chín tháng, chịu sự đau đớn trong lúc đẩy thai nhi ra khỏi lòng mẹ.
2- Cúc: Nuôi dưỡng, nâng đỡ, chăm nom, săn sóc hài nhi cả vật chất lẫn tinh thần. Tình cảm rất tự nhiên nhưng gắn bó ân cần, nên khi Cha Mẹ nhìn con thêm hân hoan vui vẻ, bé nhìn Cha Mẹ càng mừng rỡ cười tươi.
3- Súc: Cho bú mớm, lo sữa nước cháo cơm, chuẩn bị áo xống ấm lạnh theo thời tiết mỗi mùa; trông cho con lần hồi biết cử động, điều hòa và nên vóc nên hình cân đối xinh đẹp.
4- Dục: Dạy dỗ con thơ động chân cất bước linh hoạt tự nhiên; biết chào kính người lớn, vui với bạn đồng hàng; tập con từ câu nói tiếng cười hồn nhiên vui vẻ. Khi trẻ lớn khôn thì khuyên răng dạy dỗ con chăm ngoan, để tiến bước trên đường đời.
5- Vũ: Âu yếm, nâng niu, vuốt ve, dỗ dành ,bế ẵm … để con trẻ vào đời trong tình cảm trìu mến thân thương.
6- Cố: Chăm nom, thương nhớ, đoái hoài, cố cập con trẻ từ tấm bé đến khi khôn lớn, lúc ở gần cũng như lúc đi xa. Quan tâm đến con mọi lúc mọi nơi.
7- Phúc: Che chở, thường là công cha .Giữ gìn, đùm bọc, che gió, chắn mưa, nhường khô, nằm ướt, hay Cha Mẹ quên mình chống đỡ những bạo lực bất cứ từ đâu đến, để bảo vệ cho con.
8- Phục: Thuần phục . Cha mẹ theo khả năng và tâm tính của trẻ mà uốn nắn, dạy dỗ, tìm phương pháp hướng dẫn trẻ vươn lên hợp tình đời lẽ đạo, tránh cho con bị lôi cuốn bởi tiền tài ảo vọng, vật chất và thị hiếu bên ngoài.
9- Trưởng: Lo lắng tận tình, đầu tư hợp lý, cho con học tập để chuẩn bị dấn thân với đời; cố vấn cho con nên vợ thành chồng xứng hợp với gia phong, thế đạo.
* Báo ân cha mẹ:
Tâm tình của Cha mẹ:
– Khi nghe con ho một tiếng hay thở khò khè lúc ngủ, hoặc rên rĩ khe khẻ trong đêm, lòng cha mẹ rối bời, hồi hộp lo âu. Trái tim của Cha Mẹ luôn theo nhịp đập của hơi thở và con tim của con. Cha mẹ luôn nghĩ sẽ cho con tất cả để con được khỏe, được vui, được sống an toàn, phát triển với đời.
– Cha mẹ có cần con hồi hộp lo âu, quan tâm chăm sóc của con cái không? Có, nhưng không muốn con vì mình mà phải mệt mõi, lo sợ, bất an. Vì vậy làm con phải hiểu lòng song thân của mình.
– An ủi cha mẹ là đúng, là cần nhưng đừng làm hình thức hay thương hại cha mẹ. Tốt nhất là sự thông cảm, đồng cảm nổi đau của cha mẹ về mặt tâm tư cũng như thể xác. Hãy an ủi, thương yêu với lòng tri ân và cảm ân.
– Thường thì khi mình nhận ra ân tình cao cả của cha mẹ thì cũng nhận ra rằng mình rất khó đền đáp ân cha mẹ, vì:
1. Cha mẹ đã già và ta cũng không còn trẻ. Cha mẹ già nên nhu cầu ăn uống và các nhu cầu vật chất khác không tác động gì mấy…
2. Ta cũng đã già, đã có gia đình, có trách nhiệm với vợ con, với xã hội; sức khỏe không nhiều, thời gian hạn chế, ta không dành hết đời mình cho cha mẹ được (Dù cha mẹ đã dành hết đời mình cho con cái).
3. Nếu đời ta mà khó khăn về kinh tế, làm ăn thua lỗ hay nghèo khổ nữa thì lổ hỏng về hiếu thảo ngày càng lớn.
4. Ta không có phương thức hữu hiệu nào để báo đáp ân tình cha mẹ hết… thường thì an ủi đôi lời, cho một ít tiền…không giải quyết được vấn đề mà cha mẹ đang khó khăn đối mặt như:
a. Già yếu, đau đớn trong thân mà họ ít nói ra, vì nói ra chẳng ai hiểu (Già thì bịnh thôi có gì mà than!)
b. Cô đơn, yếu đuối, mặc cảm vô dụng, than trách con cái, thường nghĩ sai về lòng tốt của con.
c. Lo lắng về cái chết…
Cần phải báo hiếu cha mẹ về mặt tinh thần.
Đức Phật dạy :“Này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Được như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.
Cha mẹ có được lòng tin với Tam bảo, sẽ có cơ hội an định nội tâm, có lý tưởng trong tâm sẽ xả bỏ chuyện vui buồn cuộc đời. Cha mẹ có được thiện giới sẽ làm nội tâm tự tin mạnh mẽ không còn lo sợ tương lai. Cha mẹ có lòng mở rộng bố thí sẽ biết buông xả của cải thế gian. Cha mẹ có trí tuệ thì tự mình vượt thoát khổ đau. Đó là những giá trị siêu việt, người con có thể giúp cho cha mẹ và như vậy là hiểu thảo đúng nghĩa.
Mọi người thường nghĩ “ Nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ thương con là tất nhiên, con cái cứ vô tư hưởng thụ, không nghĩ đến bổn phận đền đáp; hoặc là thương cha mẹ nhưng ngại bày tỏ, thể hiện, chần chừ. Để rồi khi cha mẹ không còn nữa thì nỗi ân hận muộn màng thành nỗi đau cả đời.
Hãy làm những gì có thể làm để cho cha mẹ được vui, được hạnh phúc, nhất là những người con còn mẹ. Hãy sám hối tội lỗi của mình đã không tròn hiếu đạo của những người con mất mẹ.
Mùa Vu Lan về nhắc nhở chúng ta sống trọn vẹn đạo làm người đúng nghĩa, đó là làm người con hiếu thảo.
(Bài giảng Vu Lan 2017 – Hòa thượng Thích Viên Giác)